Theo khảo sát, tại các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa ở Hà Nội, nhu cầu của khách hàng đang tăng lên từng ngày. Anh Hoàng Khương, thợ điện lạnh tại một chuỗi siêu thị điện máy lớn cho biết dù mới bắt đầu vào mùa nhưng anh đã phải tăng ca đến 20h mỗi ngày, do đông khách.
Anh Huy (Bảo dưỡng Bách Khoa) cũng cho biết cơ sở của anh đang lên kế hoạch về việc tăng thêm thợ để phục vụ nhu cầu ngày một tăng của khách hàng. Anh Huy nhận định, lượng khách sẽ còn tăng nữa, thậm chí là quá tải trong thời gian tới cho đến mùa hè. “Rất ít khách hàng chủ động kiểm tra chất lượng điều hòa nhà mình. Thường là vào mùa nóng, bật điều hoà lên mà không mát thì khách mới bắt đầu tìm đến dịch vụ bảo dưỡng. Đến lúc đó, các cơ sở dịch vụ mới thực sự bận rộn”, anh Huy nói.
Dịch vụ bảo dưỡng điều hòa bắt đầu vào mùa hốt bạc. (Ảnh minh họa) |
Hiện nay, mức giá bảo dưỡng điều hoà trên địa bàn Hà Nội vào khoảng 150.000 đồng/máy đối với máy lẻ. Còn đối với các công ty, nhà xưởng, văn phòng có số lượng điều hoà nhiệt độ lớn thì chi phí này có thể rẻ hơn. Tuy nhiên, chi phí này chỉ bao gồm công thợ, phí vệ sinh (ngoại trừ phí bơm gas nếu có).
Trong khi đó, với những sản phẩm bị lỗi hay chất lượng kém thì chi phí phát sinh cao hơn gấp nhiều lần. Một nhân viên bảo dưỡng điều hòa thừa nhận thường thì rất hiếm khi chỉ bảo dưỡng thôi mà sẽ kèm theo sửa chữa, do đó giá tiền cho một đơn hàng thường lên đến hàng trăm, thậm chí là tiền triệu. "Sản phẩm điều hòa chỉ cần lâu không sử dụng cũng dễ sinh ra hỏng hóc, trục trặc, đơn giản nhất là hết gas. Quá trình bảo dưỡng, phần lớn điều hòa đều phải bơm gas và sửa chữa vài chi tiết. Số tiền khách phải trả vì thế cũng tăng theo", anh này nói.
Là một người có 15 năm kinh nghiệm trong nghề, anh Bình - người cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, bảo trì điều hòa không khí thông qua ứng dụng Ong thợ - cho biết, dù mang lại nhiều tiện lợi nhưng dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa điều hòa cũng có nhiều mánh khóe mà nhân viên thường sử dụng để “móc túi” khách hàng.
Ví dụ như trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, nhân viên có thể đánh tráo thiết bị, linh kiện hoặc kiểm tra hời hợt, qua loa để nói khống linh kiện hỏng hóc, buộc phải thay thế. Bằng cách này, thợ sửa điều hòa có thể ăn gian chiều dài dây nối, ống dẫn đồng...để thu lợi. Hay việc bơm thêm gas cũng là trường hợp gian lận phổ biến của nhiều thợ sửa điều hòa. Gas của máy điều hòa sẽ còn hoặc hết toàn bộ chứ không phải hao hụt cần bơm thêm như nhiều thợ giải thích. Khi gas bị xì hết, thợ cần tìm và xử lý mối gây rò rỉ, sau đó nạp lại gas.
Anh Bình đưa ra lời khuyên cho người tiêu dùng khi sử dụng dịch vụ, nên theo dõi trực tiếp trong lúc thợ sửa chữa và xem kỹ các chỉ số trên giấy tờ cũng như công việc thực tế.
Vệ sinh cục nóng điều hoà. |
Khách hàng nếu nhận được đề xuất của thợ sửa chữa về việc thay ống đồng nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình truyền gas với lý do ống đồng xuống cấp, nứt, gãy thì nên cảnh giác. “Nếu điều hoà mới lắp được khoảng vài ba năm thì đề xuất này khả năng cao là một trong những mánh khóe của thợ sửa chữa nhằm thu thêm phí dịch vụ cũng như được hưởng lợi từ những đoạn dây đồng được thay thế”, anh Bình nói.
Cũng theo anh Bình, khách không nên để đến lúc cao điểm mới sửa chữa. Điều này không chỉ khiến các cơ sở bảo dưỡng trở nên quá tải và từ đó dễ dàng đẩy tăng lên.
(Theo VTC News)