Khi loạt bài này đăng tải, Ngô Trung Hiếu đã vận dụng các kênh quan hệ của mình để dừng đưa những thông tin liên quan đến anh ta. 

Hiếu còn hướng dẫn chị Trần Thị Đ. (Q.Cầu Giấy - Hà Nội) viết thư cảm ơn, gửi đến Trung tâm bảo trợ xã hội (TT) số 4, về việc Hiếu đã tạo điều kiện để chị nhận được con gái nuôi năm 2009 mà không phải chi phí bất cứ khoản tiền nào. Thực tế, để nhận được con nuôi ở TT số 4, chị Đ. phải chi hàng trăm triệu đồng. Hiếu còn gửi bản tường trình tới lãnh đạo cơ quan và Sở LĐ-TB-XH Hà Nội với nội dung: “Những gì tôi nói với nhà báo chỉ là nói bừa”...

Con nuôi rất... “đắt hàng”


Trong một lần gặp để thuyết phục tôi nhận bé trai tên Nguyễn Thành Công làm con nuôi, Hiếu cho biết: “Nếu chị bỏ lỡ không nhận thằng bé thì rất khó có cơ hội khác. Việc người trong nước nhận được con nuôi là gần như không thể. Trường hợp cầu thủ C. nhận được con nuôi là phải có sự “bảo lãnh” của các “VIP”, trong đó có bà K.N. (rất thân với giám đốc cũ của em) và một quan chức cấp cao là ông N.C.V. “ép” xuống, sếp em mới đồng ý. Tất cả đều phải mất một khoản chi phí không nhỏ, nhẹ thì vài chục triệu, nặng thì vài trăm triệu. Không có phí tiêu cực thì không làm nổi đâu. Khi nào đến xã làm thủ tục bàn giao, em sẽ hướng dẫn chị bỏ phong bì bao nhiêu tiền để chị trực tiếp đưa cho họ, chứ không phải là em đưa. Đi đến đâu, chi bao nhiêu, em sẽ hướng dẫn chị tự đưa, rất sòng phẳng, rõ ràng. Xin được đứa con về nuôi khó lắm. Nếu chị không tin thì cứ thử đi một vòng hỏi các trung tâm bảo trợ xã hội có hoạt động cho, nhận con nuôi xem. Họ sẽ trả lời ngay là “không”. Nếu chị chỉ thẳng vào một đứa trẻ nào đó mà xin nhận làm con nuôi, họ sẽ nói đứa trẻ đó bị HIV, không nhận được”.

Ngô Trung Hiếu

Tôi hỏi: “Nếu phải chi tiền như vậy thì phương thức thanh toán như thế nào?”. Hiếu nói: “Nếu nhận con nuôi trong nước, thông thường thì cha mẹ nuôi sẽ đóng tiền vào TT theo hình thức ủng hộ từ thiện. Còn nếu là con nuôi nước ngoài thì thanh toán phức tạp hơn. Các tổ chức đại diện của nước có người nhận con nuôi sẽ phải đầu tư bằng hiện vật như cho xe ô tô, xây dựng, hoặc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc phục vụ TT. Tóm lại là cái gì cũng phải có tiền, chị ạ”.

Tôi hỏi: “Vậy thì trẻ con khác gì món hàng? Mình có được lựa chọn đứa trẻ nào ưng ý không?”. Hiếu cười khẩy: “Người ta xếp hàng cả ngàn người, chả đến lượt chị nếu không có tiền và quan hệ. Thời điểm này, TT em chỉ có đứa bé tên Công. Hồ sơ của nó nằm trên phòng tổ chức nên em mới rút được dễ dàng. Đứa bé gái tên Châu mà chị muốn xin thì hồ sơ đã nằm ở Cục Con nuôi rồi, khó rút về lắm. Giá cả thì bằng nhau tất. Con trai, con gái, trung tâm mua vào đều bằng nhau. Ví dụ một người phụ nữ vào bệnh viện đẻ, mình sẽ phải hướng dẫn họ lên TT số 4 mà bỏ. Sẽ có người điện cho em và nói: “Hôm nay có đứa nó bỏ đấy”! Trước khi bỏ, em phải cho bệnh viện làm xét nghiệm người mẹ của đứa bé. Sợ nhất là mẹ bị giang mai; viêm gan B và HIV. Nếu không nhiễm bệnh gì thì mình đồng ý để người ta mang trẻ đến bỏ trước cổng. Nếu bị bệnh thì mách cho TT chuyên nhận trẻ bị bệnh nhận. Hiện nay, các TT nuôi trẻ tàn tật đang rất “đắt hàng” món cho con nuôi nước ngoài”. Tôi hỏi: “Chị được biết, chị Đ. phải chi cả khoản phí mà TT đã mua đứa trẻ bỏ rơi đó từ người mẹ bỏ con, có đúng không em?”. Hiếu trả lời: “Đúng đấy! Không có ai cho không đâu. Những người bỏ con sẽ nhận được tiền sau khi đứa trẻ đó được cha mẹ đỡ đầu nhận làm con nuôi. Cái này là luật bất thành văn. Tất cả đều có kịch bản hết! Kể cả giờ giấc vứt bỏ đứa trẻ ở cổng TT cũng được xem xét kỹ càng... Em đã làm hồ sơ cho hơn hai trăm đứa trẻ đi làm con nuôi nước ngoài rồi".

Ông Nguyễn Đại Lâm - Chủ tịch UBND thị trấn Tây Đằng

Sự giả dối có thừa

Đọc báo, chị Đ. bất ngờ khi người trong vai đại gia “khát” con nuôi mà chị giới thiệu cho đường dây của Hiếu, lại là một nhà báo. Chị tỏ ra vui mừng vì cái điều chị canh cánh bên lòng lâu nay được vạch trần. Chị cho biết: “Hiếu nói với tôi, Hiếu thực chất chỉ là người thừa hành mệnh lệnh, người thực sự quyết định, đặt bút ký vào hồ sơ cho, nhận con nuôi là lãnh đạo của Hiếu. Nếu được thì hãy “tha” cho Hiếu. Báo đăng như vậy, Hiếu sẽ bị đuổi việc mất. Mấy hôm nay Hiếu gọi cho tôi liên tục, nhờ tôi tác động đến nhà báo để dừng bài. Hiếu còn nhờ tôi viết thư cảm ơn TT số 4 vì đã tạo điều kiện để tôi nhận con nuôi mà không phải mất đồng phí nào... Tất nhiên, tôi không đồng ý viết lá thư đó. Sự thật là tôi phải mất rất nhiều tiền. Tôi ghét phải làm những điều giả dối”.

Không chỉ riêng chị Đ. liên lạc với phóng viên để “xin” cho Hiếu, mà còn nhiều kênh khác ngỏ ý muốn dừng đăng thông tin liên quan đến anh ta. Cùng thời điểm này, nhiều lần chúng tôi đã liên hệ phỏng vấn lãnh đạo Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, nhưng không được. Sáng 8/3, ông Lê Tuấn Hữu - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội đã chủ động liên lạc lại với phóng viên qua điện thoại, sau rất nhiều ngày chúng tôi đặt lịch phỏng vấn ông mà không được. Ông Hữu cho biết: “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra những gì báo nêu. Tuy nhiên, tôi đã được xem bản tường trình của anh Ngô Trung Hiếu. Anh ta nói, những gì nói với nhà báo chỉ là nói bừa thôi, chứ làm gì có thật”.


Ngay sau đó, ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc TT số 4 đã gọi điện xin lỗi phóng viên vì không xuống Hà Nội để trao đổi với phóng viên như đã hẹn được. Ông Bằng cho biết: “Ngô Trung Hiếu trước đây phụ trách toàn bộ mảng làm hồ sơ cho, nhận con nuôi của TT số 4, thời đó ông Thắng làm giám đốc. Hiếu đã trực tiếp làm hàng trăm hồ sơ cho, nhận con nuôi, trong đó nhận con nuôi trong nước rất ít. Đến giữa năm 2010, khi tôi về TT thì dự án ông Thắng phụ trách đã kết thúc. Từ giữa năm 2010 đến nay, khi tôi nhận bàn giao thì TT còn 16 đứa trẻ. Đến nay tôi đã trực tiếp ký hồ sơ cho 28 trẻ cho đi làm con nuôi. Hiện Ngô Trung Hiếu đang giữ chức danh Phó trưởng phòng Y tế của TT số 4. Ngay sau khi Báo Phụ Nữ nêu sự việc, Hiếu đã viết bản tường trình gửi các lãnh đạo cơ quan. Chúng tôi rất cảm ơn Báo Phụ Nữ đã nêu ra những tiêu cực này, chúng tôi sẽ tìm hiểu để xử lý những người có liên quan”. Lạ một điều, tại một buổi làm việc với phóng viên Phụ Nữ, có mặt ông Nguyễn Văn Bằng, Hiếu đã khẳng định những gì nói với nhà báo là sự thật nhưng sau đó anh ta lại xoay chuyển sang một hướng khác để đánh lừa các cơ quan cấp trên.

Chiều 6/3, tôi trở lại UBND thị trấn Tây Đằng (Ba Vì - Hà Nội) để tìm hiểu quy trình cho, nhận con nuôi của những trường hợp đã nêu. Theo quy định, việc này diễn ra ở UBND thị trấn, cơ quan này là đại diện ký quyết định cho, nhận con nuôi, làm thủ tục để khai sinh cho đứa trẻ được nhận làm con nuôi, bàn giao cho cha mẹ nuôi. Tại UBND thị trấn Tây Đằng, tôi được ông Nguyễn Đại Lâm - Chủ tịch thị trấn tiếp với thái độ rất hồ hởi. Thoạt đầu, tưởng tôi tìm hiểu với mục đích viết bài khen, ông Lâm nhanh chóng chỉ đạo cán bộ tư pháp Nguyễn Thị Huệ lấy hồ sơ, số liệu để cung cấp cho phóng viên. Nhưng, khi bị đặt câu hỏi liên quan đến những “khuất tất” trong việc làm thủ tục cho, nhận con nuôi, ông Lâm biến sắc, từ chối tiếp chuyện phóng viên và hướng dẫn chúng tôi xuống phòng tư pháp thị trấn để làm việc với cô Huệ. Trong lúc tôi đang làm việc ở phòng tư pháp, ông Lâm liên tục gọi cho cô Huệ. Kết quả là suốt một buổi chiều, cô Huệ loay hoay với đám hồ sơ của mình nhưng không tìm thấy các tài liệu liên quan đến việc cho, nhận con nuôi từ năm 2005 đến nay tại TT số 4 đóng trên địa bàn. Có phải số phận của gần 300 em bé mồ côi đã được cho đi mà không còn gì lưu lại ở địa phương?

(Theo Phụ nữ TP.HCM)