Fim+ đề xuất xử lý mạnh tay với phim lậu
Trao đổi với ICTnews, bà Trương Nguyễn Thu Hà, CEO của Fim+ cho biết, một trong những khó khăn đối với các đơn vị đang kinh doanh dịch vụ xem phim trực tuyến theo yêu cầu ở Việt Nam chính là tình trạng lan tràn các nội dung lậu trên các trang web không có bản quyền. Các trang phim lậu chờ phim mới xuất hiện trên các trang chính thống rồi tìm cách quay lại, sao chép để đưa lên trang của họ.
Bà Thu Hà mong muốn Nhà nước sẽ có những chế tài mạnh mẽ hơn để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những đơn vị cung cấp phim có bản quyền, mạnh tay hơn trong việc phối hợp truy quét các bên ăn cắp, đăng tải lậu nội dung để kiếm lợi.
Trong suốt thời gian qua, ICTnews liên tục phản ánh về tình trạng vi phạm bản quyền nội dung của các trang phim lậu. Câu chuyện các trang phim lậu mở ra như nấm cung cấp các nội dung không có bản quyền, thu phí người xem và thu tiền từ quảng cáo đã được nhắc đến từ 6-7 năm nay khi mà nền công nghiệp nội dung số bắt đầu phát triển. Hiện nay có hàng trăm các website vi phạm bản quyền tiếng Việt đang vi phạm bản quyền các chương trình truyền hình, phim ảnh, ca nhạc. Nguồn nội dung này họ tự động lấy của các đài truyền hình Việt Nam, của các đơn vị sản xuất điện ảnh, nội dung giải trí, một phần lớn nội dung là lấy từ các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình của nước ngoài. Nguồn nuôi sống các trang này là quảng cáo, trong đó có rất nhiều quảng cáo cho các dịch vụ bị cấm ở Việt Nam như: quảng cáo cờ bạc, cá độ bóng đá, quảng cáo liên quan đến sex, quảng cáo game không phép, game lậu…
Các đơn vị truyền hình, các nhà sản xuất phim của Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng đề nghị cơ quan nhà nước cần xử lý mạnh tay với các trang web vi phạm bản quyền bằng các hành động khá quyết liệt như: Thu hồi tên miền, chặn truy cập, hay cắt hợp đồng dịch vụ thuê server. Tuy nhiên việc xử lý cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, khi cơ quan nhà nước xử phạt hành chính hoặc chặn tên miền thì chỉ một thời gian ngắn sau, các trang này lại hoạt động trở lại với tên miền khác. Điển hình là vào kỳ ASIAD 2018, khi Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC mua bản quyền và bị nhiều trang web lậu phát trực tuyến các nội dung thi đấu do VTC sở hữu. Ngày 27/8/2018, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) đã yêu cầu 7 nhà mạng chặn truy cập 18 trang web có tên miền quốc tế, đặt máy chủ ở nước ngoài có hành vi vi phạm bản quyền nghiêm trọng, gây thiệt hại cho Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC. Tuy nhiên, việc ngăn chặn này chỉ có tác dụng nhất thời, vì thực tế sau đó vẫn còn hàng chục, thậm chí hàng trăm website khác vẫn tiếp tục vi phạm.
Clip TV là một trong những dịch vụ truyền hình OTT trong nước phát triển khá thành công trong thời gian qua. |
OTT nước ngoài tràn vào Việt Nam, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền Việt Nam bị thiệt hại đầu tiên
Hiện nay, trước việc các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của Mỹ và Trung Quốc đang cung cấp vào Việt Nam và thu phí người dùng chắc chắn sẽ tác động mạnh mẽ tới thị trường truyền hình trả tiền nói chung và dịch vụ truyền hình OTT của Việt Nam nói riêng.
Bà Trương Nguyễn Thu Hà đề nghị, nhà nước có một hành lang pháp lý rõ ràng và công bằng cho các dịch vụ OTT. Bởi vì hiện nay các dịch vụ OTT nội địa phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nhập khẩu nội dung, kiểm duyệt nội dung để đưa lên dịch vụ. Trong khi các dịch vụ OTT nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, hoàn toàn không cần tuân thủ các quy định này, cũng không hề đóng thuế cho doanh thu phát sinh tại Việt Nam. Điều này dẫn tới giới hạn khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam so với các dịch vụ quốc tế ngay trên thị trường nhà.
Có cùng ý kiến với bà Hà, ông Phan Thanh Giản, CEO Clip TV cho rằng, khi các dịch vụ OTT nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam, thì các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam sẽ bị thiệt hại đầu tiên. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trong nước phải tuân thủ khá nhiều quy định như: Tuân thủ giấy phép về phần kinh doanh nội dung, tuân thủ quy định về kiểm duyệt nội dung trước khi cung cấp cho khách hàng. Nhưng các nền tảng nước ngoài kinh doanh xuyên biên giới phát hành phim vào Việt Nam khi không có giấy phép. Ông Giản cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh vào Việt Nam thì cần phải xin giấy phép, phải thực hiện chính sách kiểm duyệt nội dung, phải đóng thuế, giống như chính sách quản lý các doanh nghiệp truyền hình ở trong nước.
Bà Thu Hà cũng cho rằng, thị trường dịch vụ xem phim theo yêu cầu vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam, đất trống còn rất nhiều và nhu cầu của người dùng là rất lớn, cho nên thị trường vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Do đó, rất cần cho những chính sách để tạo điều kiện cho dịch vụ OTT trong nước phát triển.