Cam kết đầu tư những siêu dự án có tổng vốn đầu tư lên tới cả tỷ USD, nhưng tại một số dự án, sau buổi công bố hoành tráng là cảnh hoang tàn và đắp chiếu nhiều năm trời.

Cùng với sự hồi phục của thị trường bất động sản, nhiều dự án “chết” đã được “hồi sinh”, giúp thị trường sôi động hơn và bộ mặt đô thị của các thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng được cải thiện. Nhiều bãi đất trống, công trình nham nhở, dở dang, đã được thay thế bằng các khu đô thị đồng bộ, các tòa nhà cao tầng hiện đại.

Thế nhưng, bên cạnh những doanh nghiệp “nói được, làm được” như Novaland, FLC, Vingroup, Him Lam, thì cũng có những chủ đầu tư, trong đó có một số nhà đầu tư nước ngoài tuyên bố những siêu dự án có vốn đầu tư cả tỷ đô, nhưng rồi để dự án “chết” hàng năm trời.

{keywords}

Dự án Ha Noi Garden City (quận Long Biên, Hà Nội) do Berjaya hợp tác cùng Handico 12 triển khai hiện gần như bị lãng quên

Tuần vừa qua, dư luận xôn xao trước thông tin UBND TP. HCM chính thức giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát lại các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng chưa triển khai thực hiện. Trong đó, đáng chú ý có Dự án Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) của Công ty TNHH một thành viên Đô thị đại học quốc tế Berjaya thuộc Tập đoàn Berjaya (Malaysia). Dự án này được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ tháng 7/2008, nhưng cho tới nay, vẫn chưa được triển khai.

Hai hướng xử lý được UBND Thành phố đề cập là đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án, hoặc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư nếu dự án không đủ điều kiện tiếp tục triển khai.

Đây không phải là siêu dự án dở dang duy nhất của Berjaya tại Việt Nam. Tập đoàn đến từ Malaysia này có những lời hứa tại các dự án hoành tráng khác, như Dự án Trung tâm Tài chính Berjaya Việt Nam (BVFC) tại TP. HCM với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD, Dự án Thành phố mới Nhơn Trạch tại Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 2 tỷ USD, hay Dự án Khu đô thị mới Thạch Bàn - Hà Nội (Ha Noi Garden City - hợp tác cùng Handico 12) với tổng vốn đầu tư 500 triệu USD.

Tuy nhiên, thực tế, các siêu dự án trên đều bị đắp chiếu nhiều năm nay. Trong đó, tại Dự án Hanoi Garden City, dù được quy hoạch bài bản và đã có nhiều phân khu hoàn thành, nhưng do vị trí không thuận lợi, nên khu căn hộ và biệt thự đều không bán được. Cho tới thời điểm này, dù hạ tầng giao thông đã tương đối hoàn thiện, nhưng hầu hết các sản phẩm tại dự án vẫn chưa được khai thác và sử dụng.

Nói về các dự án tỷ đô, có thể kể đến lĩnh vực bất động sản du lịch. Trong khi các nhà đầu tư trong nước như Vingroup, Sun Group, FLC… khuấy động thị trường với nhiều dự án được triển khai từ Bắc vào Nam với tiến độ nhanh, thu hút nhiều khách hàng, nhà đầu tư, thì cũng có những dự án tỷ đô được quảng bá rầm rộ lúc bắt đầu triển khai, nhưng đến nay vẫn bất động.

Chẳng hạn, cách đây 8 năm, siêu dự án Bãi biển Rồng (Quảng Nam) được Tano Captial, LLC (Mỹ) công bố rầm rộ, với kỳ vọng tạo ra bước đột phá về du lịch biển tại Quảng Nam. Tuy nhiên, sau đó, nhà đầu tư không chịu nộp tiền ký quỹ, không triển khai xây dựng, buộc UBND tỉnh Quảng Nam ra quyết định thu hồi giấy phép.

Tháng 6/2015, UBND tỉnh Quảng Nam đã làm việc với lãnh đạo Công ty TNHH Âu Lạc Quảng Ninh (Tập đoàn Tuần Châu) và thống nhất để doanh nghiệp này nghiên cứu, xem xét khởi động lại Dự án Bãi biển Rồng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có nhiều thông tin cụ thể về thời điểm triển khai lại dự án.

Một siêu đại dự án khác cũng có chung số phận như Dự án Bãi biển Rồng là Dự Venus Cát Bà (TP. Hải Phòng) của Tập đoàn đầu tư quốc tế GIICO. Dự án này được công bố từ giữa tháng 9/2014, dự kiến sẽ khởi công vào quý IV/2015 và hoàn thành khu biệt thự đầu tiên trong năm 2016. Trong cuộc gặp mặt báo chí hồi cuối năm 2015 tại Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, ông Hà Mạnh Dũng, đại diện chủ đầu tư từng tuyên bố, dự án này sẽ khác biệt hoàn toàn với bất kỳ dự án bất động sản nghỉ dưỡng nào khác. Ngoài hình thức Timeshare (chia sẻ kỳ nghỉ) với mức cam kết lợi tức khủng, trong trường hợp người mua nhà yêu cầu, chủ đầu tư sẵn sàng mua lại với giá trị cao hơn ban đầu.

Tuy nhiên, sau lời tuyên bố đó, dự án bỗng dưng “mất tích” trên thị trường và hiện không có bất kỳ thông tin nào về việc dự án đã được triển khai hay chưa. Đặc biệt, theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, ngay cả website được xem là chính thức công bố về dự án cũng như chủ đầu tư hiện tại đã “mất tích”, chỉ hiện một thông báo “tên miền venuscatba.com.vn đã hết hạn sử dụng và đang bị tạm ngưng”.

Theo Đầu tư Bất động sản