Thông điệp liên bang đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin ngày hôm qua đã vạch ra một chiến lược rộng lớn cho phát triển trong nước, không cập nhật thêm trong các chính sách quan trọng và gần như hoàn toàn tránh các vấn đề thuộc về chính sách đối ngoại.

Rõ ràng, ông Putin đã thể hiện các ưu tiên trước mắt của chính quyền Kremlin là vực dậy nền kinh tế cũng như đạo đức của đất nước, xử lý các vấn đề cấp bách với phương châm 'đất nước trước tiên'.

Tổng thống Nga Vladimir Putin
Nội dung mờ nhạt

Bài phát biểu cũng hiểu rõ các yêu cầu mà các nhà hoạt động đối lập đòi hỏi trong năm qua, nhưng không nói trực tiếp về các cuộc biểu tình rầm rộ trên phố nổi bật trong giai đoạn 2011-2012.

Các nhà phân tích nói rằng bài phát biểu quá chung chung, không có khí thế và nặng tính gia trưởng.

Bài phát biểu trước khoảng 1000 nhà lập pháp và các quan chức chính quyền trong khoảng 78 phút liên tục có những tràng pháo tay xen vào.

Trong bài phát biểu của mình, ông Putin đã nói rõ các mục tiêu trong chính sách xã hội, mà ưu tiên hàng đầu là tăng dân số Nga. Theo đó, các gia đình có thêm con sẽ có thêm tiền nuôi dưỡng trẻ, tăng cường đời sống khỏe mạnh và cải thiện các điều kiện sống thông qua các khoản thuê và mua nhà rẻ hơn. Putin nói rằng "Mỗi gia đình với ba trẻ em nên là tiêu chuẩn cho nước Nga".

Mặc dù nói về việc đại tu cho hệ thống y tế, lĩnh vực khoa học và giáo dục của đất nước, nhưng Tổng thống Nga lại không hề đề cập tới bất kỳ việc tăng nguồn tài chính cho các lĩnh vực mà trước đó ông từng đề cập.

Để xử lý cuộc 'khủng hoảng' đạo đức hiện nay tại Nga, ông Putin đã đề xuất giải pháp là thúc đẩy 'giá trị truyền thống' và sửa sang lại hệ thống giáo dục với trọng tâm là dạy dỗ về mặt đạo đức và văn hóa, củng cố bản sắc đất nước và chủ yếu là thông qua lịch sử. Cụ thể, ông Putin đã đề nghị tạo xây dựng nên tượng đài kỷ niệm Chiến tranh Thế giới I và đưa các đơn vị quân đội nổi tiếng thời các Sa Hoàng trở lại.

Về mặt chính trị đối nội, ông Putin để ngỏ các phương án mang tính cải cách khi nói rằng sẵn sàng cân nhắc việc đưa các khối cử tri trở lại và các khu vực bầu cử ủy quyền đơn lẻ, đây là các biện pháp có thể mở ra các cách cửa cho các nhà lập pháp độc lập trong quốc hội. Tuy vậy, ông vẫn nói thêm rằng các vấn đề này cần thảo luận nhiều hơn.

Một trong những yếu tố 'ngoại lai' hiếm hoi mà ông Putin đề cập tới trong bài phát biểu lần này là về các khoản tiền nước ngoài tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ trong nước. Tổng thống Nga nói một cách dữ dội khi phản đối các nhân tố chính trị tại Nga chấp nhận các khoản tiền tài trợ của nước ngoài ở bất kỳ hình thức hoặc mục đích nào.

Đối với vấn nạn tham nhũng, lần này ông Putin lại có dấu hiệu mềm mỏng hơn so với đề xuất cấm các quan chức sở hữu bất kỳ tài sản nào ở nước ngoài. Trong thông điệp liên bang ngày hôm qua, Tổng thống Nga đề xuất 'giới hạn' quyền của các nhà lập pháp và các quan chức cấp cao sở hữu các tài khoản ở ngân hàng nước ngoài hoặc tài sản ở nước khác.

Về mặt kinh tế, một lần nữa ông Putin lại kêu gọi đề cao luật pháp tại Nga với mục tiêu đảo chiều hoạt động kinh doanh của Nga được đăng ký chính thức ở các khu vực nước ngoài. Chính phủ đã được yêu cầu soạn thảo và trình bày một lộ trình cải thiện môi trường kinh doanh trong nước vào năm sau.

Theo đó, sẽ có khoảng 100 tỉ rúp (3,3 tỉ USD) từ Quỹ Phúc lợi Quốc gia chưa sử dụng đến sẽ được đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng trong nước từ năm 2013. Nga sẽ giữ mức thuế thu nhập là 13% trong khi đưa vào mức thuế đánh lên những người giàu của đất nước. Một mục tiêu mà chính quyền Tổng thống Putin nhắm tới là đảm bảo an ninh lương thực vào năm 2016-2017 và trở thành một nhà xuất khẩu lương thực lớn trên thị trường toàn cầu.

Thông điệp rõ ràng

Khác với các bài báo sống động và mạnh mẽ thể hiện rõ quan điểm và chiến lược đối ngoại của Nga trước thềm bầu cử Tổng thống, bài diễn văn lần này của ông Putin hầu như không đề cập tới chính sách đối ngoại.

Ông Putin không hề nhắc tới bất kỳ vấn đề chính sách đối ngoại đặc biệt nào, kể cả những vấn đề đang rất nóng như Syria, cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Âu hay thậm chí  cả đạo luật Magnitsky  của Mỹ gây tranh cãi trong đó nhằm vào các quan chức Nga bị coi là vi phạm nhân quyền.

Tổng thống Nga cũng không hề có bóng gió gì tới các cuộc biểu tình của phe đối lập nổ ra sau các cáo buộc gian lận bầu cử Duma Quốc gia vào hồi tháng 12 năm ngoái và kéo dài xuyên suốt cả năm nay tại Moscow.

Trước khi ông Putin đọc thông điệp liên bang, có nhiều người đồn đoán rằng ngài Tổng thống có thể đưa ra một số đề xuất quyết liệt, trong số đó có thể là những biện pháp thắt chặt hơn nữa với những người biểu tình chống đối, nhưng rõ ràng là các nội dung này không hề được nói tới vào hôm qua.

Nhà phân tích chính trị độc lập Pavel Salin nói rằng thay vào đó, rất nhiều nội dung nghe giống như thỏa hiệp giữa các kỳ vọng của 'những công dân thành phố nổi giận' tham gia vào các cuộc biểu tình và những người thuộc phe bảo thủ trong các lực lượng cầm quyền.

Ông Salin nhận định rằng cũng chính vì vậy mà bài phát biểu phần lớn rơi vào tình trạng "chung chung mơ hồ".

Trong khi đó, bà Maria Lipman thuộc Trung tâm Carnegie của Moscow lại nói rằng thông điệp lần này của ông Putin 'nhàn nhạt' và nhiều người cũng chung quan điểm đó.

"Putin thường nói những điều đẹp đẽ và có thật, với rất ít ngoại lệ, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu ông có ý chí hoặc nguồn lực để hiện thực hóa chúng hay không" - lập luận của Dmitry Oreshkin, một nhà phân tích chính trị và là cựu thành viên của hội đồng nhân quyền Kremlin.

Bà Lipman nói rằng ông Putin đã thể hiện các quan điểm gia trưởng trong các vấn đề như gia đình và đạo đức, và tránh đi các tuyên bố gây bất ngờ hoặc các vấn đề tranh cãi như Đạo luật Magnitsky là nhằm nhượng bộ với công chúng.

"Đó là một thông điệp hòa bình: Mọi việc lúc này gần như là ổn thỏa, và rồi sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng vẫn còn phải xem liệu mọi việc có được như dự định hay không" - bà Lipman nói.

  • Lê Thu (Theo RIA)