- Đã hơn 10 năm nay, "bà giáo già - tên người dân gọi" về hưu đã mở “lớp dạy học
tình thương” cho hàng trăm em nhỏ mù chữ, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Bà là
Nguyễn Thị Thông (67 tuổi), thôn Thành Lập, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
>> Xót cảnh học sinh lội sông đi học
>> Học sinh chỉ cần học hết lớp 9?
Chúng tôi về xã Ngư Lộc. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn... Chính vậy, trẻ bị thất học nhiều.
Đây cũng là lý do bà Thông mở lớp học xoá mù cho các em tại xã Ngư Lộc. Công việc này đã theo cô ngót nghét 12 năm nay không một đồng lương bổng.
Lớp học tình thương của bà Thông |
Bà Thông hơn 40 năm trên cương vị là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục. Bà đã từng chứng kiến rất nhiều cảnh đời trẻ thơ nghèo thất học. Nhìn thấy những đứa trẻ nghèo khó, không học hành, bà giáo làng đã tự bỏ công sức, tiền bạc đi tìm con chữ cho chúng.
"Nhìn những đứa trẻ ăn mặc rách rưới, đói ăn, đói mặc, đói con chữ mà tôi cảm thấy xót xa lắm. Tôi muốn dạy cho các cháu có cái chữ để bước vào đời"- lời bà giáo.
Nhớ lại ngày đầu mở lớp học tình thương, bà Thông tâm sự: "Ngày đó dạy tại nhà làm gì có bàn ghế mà ngồi. Tôi lên xin nhà trường cấp 1 được ít bàn ghế đã gãy, nhờ thợ mộc sửa sang lại cho các cháu ngồi học...Bây giờ thì khác rồi, có lớp học khang trang, có bàn ghế đẹp. Đó là nhờ vào sự quan tâm của các cấp chính quyền. Lớp học tình thương ngày nào bây giờ đã trở thành phòng học cộng đồng nằm ngay trong UBND xã, đó cũng là niềm vui của cả cô lẫn trò của lớp học tình thương”.
Bà giáo Thông đang dạy cho học sinh |
Nhắc đến những học sinh của mình, cô Thông vẫn còn nhớ mãi. Có lần đang dạy, một học sinh bị tụt huyết áp, cô phải cõng cháu chạy vội đến trạm xá. Sau buổi học, đến thăm gia đình mới được biết mẹ cháu bị ốm mấy ngày nay, nhà không có cái ăn nên bị đói lả.
Không chỉ chăm lo từ cái ăn, cái mặc. Những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn còn được cô Thông cho tiền mua sách vở, bút. Nhiều nhà gia đình khó khăn cô Thông còn góp tiền để các em được đến lớp. Chính vì vậy mà đã có nhiều em học sinh nghèo nơi đây có đủ kiến thức tiếp tục đến trường, nhiều em đã trưởng thành.
Hết lứa này qua lứa khác, lại dạy toàn những trẻ đặc biệt, nên công việc "ươm chữ" của cô thật nhọc nhằn.
Cuộc sống giản dị sau bục giảng |
Em Nguyễn Thị Duyên, 10 tuổi cho biết: “Cô Thông như người mẹ thứ hai của con. Nhà con nghèo, hai anh em con không được đến trường cô đã đưa về dạy chữ. Giờ con đã biết đọc, biết viết, biết tính toán nữa. Sau này con sẽ học thật giỏi để làm cô giáo dạy những người nghèo như cô Thông”.
Giàu lòng thương người là vậy nhưng ít ai biết, trong sự nghiệp trồng người - bà Thông đã giữ cương vị hiệu phó, rồi hiệu trưởng của các trường trong và ngoài huyện. Cho đến lúc nghỉ hưu bà vẫn đi về trong căn nhà cấp 4 tuềnh toàng, đơn sơ...
Lê Anh