- Mục tiêu "hàng đầu Đông Nam Á" không được thấy trong tờ trình gửi Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình số 225, ngày 27/9, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Nội dung vừa được thông báo trên trang thông tin điện tử của Bộ.
Những người viết huyền thoại, phim chiến tranh được nhà nước đầu tư khoảng 11 tỷ đồng.
Theo đó, trong chiến lược đến năm 2020, tờ trình nêu rõ mục tiêu đưa điện ảnh VN trở thành nền điện ảnh hiện đại, giàu bản sắc dân tộc, có hiệu quả kinh tế - xã hội cao, góp phần xây dựng nền văn hóa và nhân cách con người VN trong thời kỳ mới.
Riêng tầm nhìn đến năm 2030 là “phấn đấu xây dựng điện ảnh VN trở thành nền điện ảnh có bản sắc và uy tín ở châu Á, có những tác phẩm đạt giải thưởng cao và tài năng điện ảnh tầm cỡ trong khu vực và thế giới”.
Như vậy, có thể thấy, mục tiêu “Đến năm 2020 phấn đấu xây dựng điện ảnh VN trở thành nền điện ảnh hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á” đã không còn được thể hiện trong nội dung chiến lược điện ảnh trình Chính phủ.
Khi còn nằm trong dự thảo, mục tiêu này từng gây tranh cãi tại hai cuộc họp lấy ý kiến, diễn ra vào cuối tháng 6/2013 tại Hà Nội và TP.HCM. Phần lớn ý kiến đều cho rằng đây là mục tiêu “không tưởng” vì thời hạn quá ngắn, và vì khó có tiêu chí cụ thể cho khái niệm “hàng đầu”.
Nếu được Chính phủ phê duyệt, đây sẽ là lần đầu tiên VN có một chiến lược và quy hoạch cụ thể cho ngành điện ảnh. Phát biểu tại hội nghị lấy ý kiến tại TP.HCM, bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục điện ảnh nói việc quy hoạch ngành điện ảnh từng được xúc tiến vào năm 1993, bản dự thảo đầu tiên ra đời vào năm 1995 nhưng chưa thành công.
Khoảng thời gian 2009-2011, phương án quy hoạch được xây dựng lại nhưng cũng chưa được chấp nhận. Đến giữa năm 2012, đề án tiếp tục được Cục điện ảnh khởi động với nhiều ý kiến tư vấn của giới chuyên môn.
Theo Bộ, việc xây dựng chiến lược, trong đó đề ra những phương hướng, mục tiêu, giải pháp để ngành điện ảnh VN phát triển bền vững, là thực hiện Luật điện ảnh. Chỉ có chiến lược mới cụ thể được từng bước đi cho ngành điện ảnh trong sáng tác, sản xuất, phát hành và phổ biến phim; phát triển nguồn nhân lực, đầu tư chuyển đổi công nghệ kỹ thuật, đầu tư tài chính, hợp tác quốc tế, xã hội hóa hoạt động điện ảnh… theo hướng “củng cố và phát triển nền điện ảnh Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc; hiện đại hoá công nghiệp điện ảnh”.
Đây là phương hước đã được chỉ ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Minh Chánh