Trong những năm qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Điện Biên đã chỉ đạo các cơ sở dạy nghề tập trung đẩy mạnh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm; tập trung chỉ đạo đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề cho các đối tượng đặc thù gắn với Đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2016-2020 và phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Đào tạo nghề nông thôn gắn chặt với công tác xóa đói giảm nghèo. Ảnh minh họa |
Nhờ đó, công tác đào tạo và giải quyết việc làm của tỉnh đã chuyển biến tích cực. Cụ thể là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chú trọng đào tạo theo nhu cầu của thị trường và thực hiện đào tạo theo cơ chế hợp đồng lao động gắn với giải quyết việc làm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, đào tạo và giải quyết việc làm gắn với việc triển khai chính sách hỗ trợ phù hợp, nhằm tập trung nguồn lực khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững các ngành kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa nông nghiệp.
Năm 2018, tuyển mới đào tạo nghề cho gần 8.000 người, tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề ước đạt 75%, đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 41,3% năm 2015 lên 52,15%. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tăng lao động trong các ngành công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, giảm lao động trong nhóm ngành nông - lâm nghiệp, thủy sản.
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tuyển mới đào tạo nghề cho khoảng 6.071 người, tăng 4,37% so với cùng kỳ năm trước, đạt 75.89% kế hoạch, trong đó có 4.851 lao động nông thôn; giải quyết việc làm mới cho 7.524 lao động, đạt 86,98% kế hoạch.
Điện Biên luôn gắn đào tạo nghề và giải quyết việc làm với chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và xóa đói, giảm nghèo bền vững. Do đó, những thành quả đạt được trong công tác đào tạo nghề đã góp phần không nhỏ vào thành tích xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Đến đầu năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo còn 37,08% (giảm 10,69% so với năm 2015) và tỉnh đề ra mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2019 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 33,97%.
Kim Anh