Nghệ nhân Vàng Văn Thức với hơn 30 năm thực hành, truyền dạy loại hình nghệ thuật hát Then được xem là người giữ gìn linh hồn dân tộc Thái ở Mường Lay (Điện Biên). Những làn điệu Then được ông trình diễn trong những nghi lễ khác nhau như lễ giải hạn, lễ mừng nhà mới, lễ chúc thọ, lễ cầu bình an...
Để những làn điệu Then cổ không bị mai một và góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc Thái, ông Thức đã truyền dạy cho con cháu trong gia đình cũng như những người yêu thích Then ở khắp các vùng, miền trong cả nước.
Thị xã Mường Lay nơi ông sống được biết đến như là thủ phủ, trung tâm văn hóa của đồng bào Thái trắng ở Tây Bắc, với những di sản văn hóa, nghi thức truyền thống được gìn giữ và lưu truyền từ bao đời nay. Đến nay, những nghệ nhân của các loại hình nghệ thuật đặc sắc này vẫn còn lưu giữ và truyền dạy để các thế hệ con cháu bảo tồn và phát huy về sau.
Thực hiện đồng bộ nhiều chính sách
Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, có 19 dân tộc cùng chung sống, trong đó có 18 dân tộc thiểu số (DTTS). Mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự phong phú và đa dạng về các loại hình di sản văn hóa, góp phần làm phong phú thêm bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc.
Trong đó, di sản văn hóa vật thể của tỉnh gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào DTTS. Đó là các thửa ruộng bậc thang; không gian văn hóa của các bản làng; những mái nhà sàn cao ráo…
Đặc biệt, tỉnh có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian,… thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của cư dân vùng núi rừng, biên cương. Trong đó, nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Do đó công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã tập trung vào công tác này và thu được nhiều kết quả quan trọng.
Hiện toàn tỉnh có 20 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó, 2 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là di sản “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam” và di sản “Nghệ thuật Xòe Thái”.
Công tác xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được quan tâm, góp phần “tiếp lửa” cho họ giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc mình. Hiện toàn tỉnh có 41 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.
Vừa qua UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Điện Biên lần thứ Tư, làm cơ sở để các cơ quan và các cá nhân có liên quan tiếp tục triển khai thực hiện.
Việc bảo tồn, truyền dạy chữ viết của các DTTS tiếp tục được quan tâm: đã tổ chức được các lớp truyền dạy chữ Thái tại huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ và lớp học tiếng Dao tại huyện Tủa Chùa; ngành GD&ĐT tích cực triển khai thực hiện việc dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, bảo tồn, truyền dạy, phát huy các môn thể thao dân tộc truyền thống, như: Trò chơi dân gian tung còn, tó sáng, tó phại, tó má lẹ của dân tộc Thái (ngành Thái trắng) tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ; trò chơi dân gian giã bánh giày, đánh yến, tù lu tại bản Lồng, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo.
Thực hiện nhiệm vụ bảo tồn di sản, năm 2024, Bảo tàng tỉnh đã bảo tồn, phục dựng 2 lễ hội truyền thống, gồm: Lễ Mừng cơm mới của dân tộc Cống tại huyện Nậm Pồ; lễ Cúng lá lúa của dân tộc Kháng, bản Quảng Lâm, xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé.
Bảo tàng tỉnh còn tổ chức 2 lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống: Nghề đan lát của dân tộc Si La tại huyện Mường Nhé; nghề đan lát của dân tộc Cống tại huyện Mường Nhé và 1 lớp truyền dạy nghề làm trang phục truyền thống của dân tộc Kháng tại huyện Tuần Giáo.
Di sản văn hóa còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển du lịch. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã biết khai thác và phát huy giá trị của các di sản để thu hút du khách, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.