Với mục tiêu đạt 25% đến 30% sản lượng điện toàn quốc vào năm 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang nỗ lực đẩy mạnh đầu tư vào sản xuất điện.

Tính đến hết  năm 2010, PVN đang làm chủ 3 nhà máy điện khí là Cà Mau 1, Cà Mau 2 và Nhơn Trạch 1 với tổng công suất 1.950 MW. Tổng sản lượng điện thương mại lũy kế thực hiện giai đoạn 2007-2010 trên 20 tỷ KWh. Tổng công suất đặt đạt 12,6% so với toàn hệ thống và sản lượng điện dự kiến đạt 10,6%, đứng thứ 2 sau Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về sản xuất điện.


Nhiệt điện Cà Mau

Cùng với với việc vận hành tốt các Nhà máy điện khí đã được xây dựng, PVN cũng đang triển khai hàng loạt các dự án điện than, thuỷ điện, phong điện và cùng gánh vác với EVN nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Ngành điện Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với một loạt những thách thức như công suất dự phòng của hệ thống thấp, nhu cầu về điện tăng cao dẫn đến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển ngành điện lớn, thiếu vốn đầu tư để phát triển nguồn điện nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải...

Để góp phần giải quyết những khó khăn này, PVN đã xây dựng chiến lược phát triển ngành Điện lực Dầu khí trên cơ sở sử dụng các nguồn tài nguyên trong nước, đồng thời tích cực mở rộng đầu tư ra nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khu vực, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhiệm vụ hàng đầu là tận dụng mọi nguồn khí do PVN khai thác để phát triển nhiệt điện khí, coi đây là thế mạnh số một; tiếp đến là lựa chọn tham gia phát triển nguồn thủy điện, nhiệt điện than; từng bước mở rộng đầu tư ra nước ngoài, trước mắt tập trung vào các dự án tại Lào và Campuchia... Mở rộng hoạt động sang các loại hình sản xuất kinh doanh điện năng khác như điện gió, điện mặt trời, địa nhiệt, nguyên tử...

Phấn đấu sản lượng điện giai đoạn 2011-2015 đạt 47,134 tỷ KWh, tương đương 24,64% tổng nhu cầu cả nước, công suất đạt vào năm 2015 là 10.082 MW trong tổng công suất 41.136 MW toàn quốc, chiếm 24,51%.

Đảm bảo tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 – 2015 khoảng 39%, giai đoạn 2016 – 2020 khoảng 10% và giai đoạn 2021 – 2025 khoảng 12% với việc đa dạng hoá các nguồn điện.

Để đạt được mục tiêu trên, thì hàng loạt các dự án lớn về điện với số vốn lên tới hàng tỷ USD đã và sẽ được PVN đầu tư.

Với nhiệt điện khí, PVN sẽ đầu tư 4 dự án turbine khí hỗn hợp với tổng công suất 3.000 MW giai đoạn 2015- 2025. Nhiệt điện than, ngoài các dự án hoàn thành trong giai đoạn 2011 – 2015 như Nhiệt điện Vũng Áng 1, Thái Bình 2, Quảng Trạch 1, Long phú 1, Sông Hậu, PVN sẽ tiếp tục đầu tư 5 dự án với tổng công suất lên tới 11.600 MW trong giai đoạn 2016-2025.

Bên cạnh đó hàng loạt các dự án thuỷ điện cũng được đầu tư. PVN dự kiến  từ năm 2016 – 2025 đầu tư 4 dự án thủy điện với tổng công suất 2.700 MW. Ngoài ra là các dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất gần 600 MW...

Để biến mục tiêu trên trở thành hiện thực, PVN đang thực hiện một loạt các giải pháp lớn như hợp tác đầu tư với các đối tác nước ngoài có kinh nghiệm về lĩnh vực điện, có khả năng thu xếp nguồn vốn.

Xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn, mục tiêu đến năm 2013-2015 phải có đội ngũ chuyên gia thực sự lành nghề và có kinh nghiệm làm nền tảng cho việc chuyển giao công nghệ. Áp dụng các giải pháp kỹ thuật hiện đại, xây dựng quy trình tin cậy đối với công tác O&M các nhà máy điện.

Phát triển và đầu tư có chiều sâu các loại hình dịch vụ kỹ thuật có hàm lượng kỹ thuật cao liên quan trực tiếp đến sản xuất điện; đầu tư công nghệ sản xuất điện hiện đại, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động môi trường.

Trần Thủy