Thời gian qua, với phương châm "làm từ đồng làm vào, làm từ hộ gia đình đến thôn xóm, từ thôn xóm đến xã, huyện", lấy thôn xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình làm hạt nhân để vận động xây dựng NTM; chọn dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, ngành nghề nông thôn; chọn những sản phẩm, nghề là thế mạnh của địa phương để khuyến khích phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo phương châm "ly nông bất ly hương". Từ đó thu hút được sự hưởng ứng, tích cực tham gia của người dân với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, sự đồng thuận, sự đóng góp công sức, trí tuệ, sáng kiến, sáng tạo và nguồn lực của xã hội để thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

W-Thaithuy.png
Nông thôn mới huyện Thái Thuỵ

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025, tiếp tục làm thay đổi diện mạo nông thôn tỉnh Thái Bình. Nếu như ở giai đoạn trước, nông thôn Thái Bình có sự thay đổi lớn về diện mạo thì nay việc phát triển đã đi vào chiều sâu. Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển khá đồng bộ, tạo nên diện mạo mới của nhiều xã, thôn khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng lên. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 62,4 triệu đồng (thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn năm 2023 ước đạt 58,22 triệu đồng/người), tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn năm 2023 còn khoảng 1,87%.

Hệ thống thu gom, tiêu thoát nước bảo đảm vệ sinh môi trường trong khu dân cư được các xã thực hiện xây dựng đồng bộ cùng với xây dựng đường giao thông nông thôn; tổ chức các phong trào vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, trồng hoa nơi công cộng, trong khu dân cư, trên các tuyến đường giao thông;

100% hộ dân của tỉnh được sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch (nước máy) đạt 98,31%. Các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô lớn đều nằm trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và có thủ tục môi trường theo quy định; đối với các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, hộ gia đình đều được UBND xã, thị trấn kiểm tra và ký xác nhận cam kết về BVMT. Các làng nghề nêu trên đều đã lập phương án BVMT được UBND huyện thẩm định và phê duyệt.

Tính đến hết tháng 6 năm 2024, Thái Bình có 100% số xã đạt chuẩn NTM, 07 huyện đạt chuẩn NTM và thành phố Thái Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Đặc biệt, đã có 01 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, chiếm 13,73% số xã trong toàn Tỉnh; đồng thời đã tiến hành thẩm định và hoàn thiện các thủ tục để xét công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023 cho 9 xã. Toàn tỉnh có 187 xã đăng ký và được UBND tỉnh phê duyệt với 1.467,161km đèn điện “thắp sáng đường quê”, các địa phương đã lắp đặt được 888,942km; toàn Tỉnh có183 sản phẩm OCOP xếp hạng 3 sao, 4 sao.

Năm 2024, toàn Tỉnh có 6 xã đăng ký đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, dự kiến sẽ có 5 xã gồm: An Thanh (Quỳnh Phụ); Nam Cường (Tiền Hải); Bình Định (Kiến Xương); Thụy Ninh, Thụy Duyên (Thái Thụy) nhiều khả năng được công nhận xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024 và trong 29 xã đăng ký đạt chuẩn NTM nâng cao, dự kiến 15 xã có khả năng được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024.

Với những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình, Thái Bình tự tin sẽ hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 10% số xã trở lên đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao như kế hoạch đã đề ra.