Với địa bàn rộng, dân cư phân tán, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, tỷ lệ hộ nghèo cao... xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi tỉnh Phú Thọ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Tuy nhiên, nhờ những cách làm sáng tạo, diện mạo làng quê trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư cơ bản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được bảo tồn, phát huy, góp phần tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 133/196 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 110 xã ở khu vực miền núi, chiếm 56% tổng số xã trên toàn tỉnh.
Để đạt được kết quả này, các xã ở khu vực miền núi đã chủ động bám sát Bộ tiêu chí nông thôn mới theo quy định; tranh thủ huy động mọi nguồn lực và lựa chọn cách thức xây dựng nông thôn mới phù hợp với tình hình thực tế của mỗi địa phương, giúp người dân phát huy vai trò chủ thể, tạo khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới giữa các khu dân cư.
Thanh Sơn là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ với 22 xã và 1 thị trấn, trong đó có 6 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Lương Nha, Địch Quả, Sơn Hùng, Thục Luyện, Cự Thắng, Võ Miếu; các xã còn lại đạt 7 - 14 tiêu chí; bình quân toàn huyện đạt 13,5 tiêu chí/xã.
Xác định xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng, UBND huyện Thanh Sơn tiếp tục xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Phấn đấu đến năm 2025, Thanh Sơn có 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2022 - 2025; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tỷ lệ tiêu chí nông thôn mới bình quân đạt 15 tiêu chí/xã trở lên.
Võ Miếu là xã thứ 6 của huyện Thanh Sơn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đầu năm 2023. Trong xây dựng nông thôn mới, xã xác định tiêu chí thu nhập là tiêu chí khó, cần sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và cả người dân.
Phát huy lợi thế diện tích đồi rừng cùng với đẩy mạnh trồng rừng kinh tế, xã vận động, khuyến khích người dân thay thế các giống chè cũ, năng suất thấp bằng chè giống mới chất lượng cao vào sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để xây dựng, quảng bá thương hiệu sản phẩm chè đặc sản của địa phương. Thực hiện mô hình liên kết tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo số lượng và chất lượng cung cấp ra thị trường theo quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn xã có hơn 330 ha chè, 5 hợp tác xã và 1 làng nghề sản xuất, chế biến chè Thanh Hà, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương.
Từ trồng rừng, trồng chè, kết hợp chăn nuôi và phát huy lợi thế trung tâm cụm xã để phát triển các ngành nghề dịch vụ, thu nhập bình quân đầu người của xã Võ Miếu hiện nay đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm xuống còn 2,22%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 71%.
Sau khi đạt chuẩn, các xã trên địa bàn huyện Thanh Sơn tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được để giữ vững và nâng cao chất lượng các chỉ tiêu, tiêu chí.
Điển hình như xã Địch Quả, sau khi được tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017, xã tiếp tục bắt tay vào xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Trong đó, ưu tiên tập trung các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông. Khuyến khích phát triển hợp tác xã chăn nuôi gà và làng nghề chế biến chè theo hướng liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài địa bàn để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân.
Đối chiếu với Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, Địch Quả hiện đã có 12/19 tiêu chí cập chuẩn và đang phấn đấu đến năm 2024 hoàn thiện đủ 19 tiêu chí, trở thành xã nông thôn mới nâng cao đầu tiên của huyện miền núi Thanh Sơn.
Cùng với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền và nhân dân, phong trào xây dựng nông thôn mới ở các xã miền núi của tỉnh đang ngày càng lan tỏa sâu rộng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã công nhận thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 100% là các xã miền núi gồm: Yên Tập, Tùng Khê, Phú Khê, huyện Cẩm Khê; Võ Miếu, huyện Thanh Sơn và Yên Luật, huyện Hạ Hòa.
Mục tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay là các chỉ tiêu, tiêu chí được nâng cao về chất lượng, hướng tới phát triển có chiều sâu, bền vững nên cần nguồn lực đầu tư lớn. Tuy nhiên, các xã còn lại trên địa bàn tỉnh chưa đạt chuẩn nông thôn mới cơ bản là các xã miền núi, đặc biệt khó khăn, cuộc sống người dân còn thiếu thốn, việc huy động nội lực trong dân rất hạn chế, nhất là các tiêu chí cần nguồn vốn lớn như giao thông, thủy lợi, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn...
Bên cạnh đó, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu, diện tích đất canh tác ít, chủ yếu là đất đồi rừng, khó sản xuất. Việc sản xuất ở một số vùng còn mang tính tự phát, làm theo phong trào nên hiệu quả kinh tế chưa cao dẫn đến việc hoàn thành các tiêu chí mềm như: Thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống nước sạch tập trung rất khó hoàn thành.
Nhằm tháo gỡ khó khăn trên, tỉnh Phú Thọ đã ban hành các văn bản điều hành, chỉ đạo để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn đảm bảo kịp thời, phù hợp với quy định của Bộ tiêu chí và điều kiện thực tế tại địa phương.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân. Các địa phương tiếp tục huy động nguồn lực hoàn thiện và nâng cao chất lượng hệ thống hạ tầng cơ bản ở nông thôn; duy tu, nâng cấp công trình đã đầu tư; cải tạo, nâng cấp các khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung ở các xã trở thành khu xử lý rác thân thiện môi trường.
Ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho những xã miền núi đặc biệt khó khăn nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại gắn với phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Xây dựng các chuỗi hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng và đặc sản, thế mạnh của tỉnh theo Chương trình OCOP. Phát triển, nhân rộng các mô hình du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.