Vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh hiện có 201.981 người, chiếm 14,1% dân số toàn tỉnh với trên 30 dân tộc thiểu số; cư trú chủ yếu ở miền núi, có vị trí trọng yếu trong quốc phòng và an ninh. 

Tỉnh Quảng Ngãi đang triển khai 10 dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Giai đoạn 2021 - 2024, Quảng Ngãi đã phân bổ hơn 1.820 tỷ đồng cho các dự án, đến nay đã giải ngân được hơn 964 tỷ đồng, đạt 53%.

Từ các nguồn lực của Chương trình, Quảng Ngãi tập trung vào: Hỗ trợ nhà ở, chuyển đổi nghề, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu, đầu tư cơ sở hạ tầng. Cùng với đó là xóa mù chữ, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo tồn bản sắc văn hóa các các dân tộc thiểu số.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Hiện nay, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh năm 2010) giai đoạn 2021-2023 đạt hơn 26.000 tỷ đồng. Tỷ trọng các ngành nông, lâm, ngư nghiệp: 27,86%; công nghiệp - xây dựng: 49,65 %; dịch vụ: 22,49%. Đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện miền núi giảm 4,99%/năm, đạt chỉ tiêu Đại hội lần thứ III – năm 2019 đề ra là giảm từ 4-4,5%/năm.

Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào vùng dân tộ thiểu số và miền núi mỗi năm giảm 4 - 4,5%. Cùng với đó, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 94,8% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% xã có điện lưới quốc gia. Đồng thời 99,4% học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường, 97% học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường; 91% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 62,95% lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Được biết, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đưa tăng trưởng kinh tế bình quân vùng miền núi giai đoạn 2024 - 2025 là 8 - 9%/năm và giai đoạn 2026 - 2029 là 7 - 8%/năm; thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng 1/2 thu nhập bình quân chung cả nước; giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số 3%/năm (đến năm 2030 còn dưới 10%).

Tỉnh phấn đấu cơ bản không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn; 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện thường xuyên, 95% hộ đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 90% - 95% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; trên 80% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở được di dời đến nơi an toàn.