TP.HCM bắt đầu mở cửa có điều kiện kể từ 1/10. Sức mua tại đây tăng mạnh nhưng do nhiều yếu tố khách quan, hàng hoá tại các nhà bán lẻ không đáp ứng đủ nhu cầu. Đây cũng là tình trạng chung trên toàn quốc.

{keywords}
Khách mua hàng bên trong một siêu thị tại TP.HCM giai đoạn dịch Covid-19 chưa phức tạp. (Ảnh: Hải Đăng)

Nói với ICTnews, ông Phùng Ngọc Tuyên, Giám đốc ngành hàng viễn thông di động Thế Giới Di Động, khẳng định sức mua sau một thời gian dài giãn cách gần như bùng nổ, doanh thu mỗi ngày gần với tháng Tết. Tuy nhiên điện thoại bắt đầu khan hàng, trong khi laptop và tablet đã không đáp ứng được nhu cầu từ trước.

FPT Shop cũng cho biết, đơn hàng tăng mạnh kể từ khi TP.HCM và nhiều địa phương mở cửa. Riêng chuỗi CellphoneS nói, sức mua trong 3 ngày đầu tăng gấp đôi so với thời điểm trước dịch.

Mặc dù nhu cầu lên cao nhưng nhiều mặt hàng đang không đủ đáp ứng sức mua.

Trong giai đoạn đầu của đợt dịch thứ 4, ngay trong buổi họp với các nhà đầu tư, lãnh đạo Thế Giới Di Động dự báo tình trạng khan hàng và cho biết sẽ dồn tiền mặt để tích trữ hàng hoá. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, ông Tuyên cho biết nguồn hàng dự trữ không đủ cung cấp.

Nhiều loại laptop và máy tính bảng không còn trong kho trong một thời gian dài trước đây. “Còn smartphone thì đã xảy ra tình trạng thiếu hàng từ vài tuần nay”, đại diện Thế Giới Di Động thông tin.

Phía FPT Shop hiện đang làm việc rất sát sao với các hãng để bảo đảm nguồn cung, và dự báo hàng hoá sẽ ổn định lại trong vài tuần tới.

Đại diện CellphoneS chia sẻ, việc thiếu hàng do hai nguyên nhân, một là sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu do Covid-19, hai là do tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc khiến cho các nhà máy không được hoạt động tối đa công suất.

Thế Giới Di Động đồng ý với nhận định trên, và thông tin thêm rằng các chuyến bay từ Trung Quốc về Việt Nam cũng hạn chế, do đó nguồn hàng không được dồi dào. Theo thông tin từ ông Phùng Ngọc Tuyên, có những nhà máy đối tác ở Trung Quốc chỉ được hoạt động mỗi tuần vài ngày, không được làm hết công suất như trước vì chính sách tiết kiệm điện của nước sở tại.

Theo ông Tuyên, sự khan hàng diễn ra mạnh nhất ở các hãng smartphone Trung Quốc. Riêng Apple và Samsung dù chuỗi cung ứng tốt hơn nhưng cũng không đáp ứng đủ sức mua.

“Thế Giới Di Động mỗi ngày bán khoảng 15 ngàn máy Samsung nhưng hãng chỉ đủ cung cấp 30-40 ngàn máy/tuần”, ông Tuyên giải thích.

Một hãng trong top 3 tại Việt Nam thừa nhận hàng hoá đang khan hiếm, nhất là các sản phẩm mới. Người này cho biết, hiện nay các hãng đang cạnh tranh nhau ở khả năng cung ứng hàng hoá. Chuỗi cung ứng hãng nào làm tốt thì thị phần sẽ gia tăng trong giai đoạn này.

Ngoài các lý do khách quan dẫn đến thiếu hụt smartphone, có một thực tế rằng một số hãng trước đó tạm ngưng nhập hàng để chờ kết quả chống dịch tại Việt Nam. Do không dự báo được giai đoạn nào dịch sẽ kết thúc nên các hãng nhập hàng cầm chừng, không có kế hoạch trước một vài quý như trước.

Hiện tại, theo CellphoneS, các loại iPhone đều khan hàng. Cụ thể, đơn hàng từ Q3/2021 của iPhone 11 bị huỷ, chỉ giao vào năm sau. Đơn hàng iPhone 12 chưa được đặt thêm. Riêng dòng iPhone 13 hãng chỉ cung ứng được 50% so với nhu cầu đặt hàng.

Đối với Samsung, các máy dòng Z mới cũng thiếu hàng trầm trọng, hàng cung cấp cho đại lý nhỏ giọt.

Ông Nguyễn Ngọc Đạt, quản lý chuỗi Di Động Việt, cho biết điện thoại tầm từ 6 triệu trở xuống hiện nay gần như không còn hàng. Tablet thì đã hết trong kho từ khá lâu. Riêng laptop tầm giá 15 triệu trở xuống không còn hàng bán.

Mới đây nhất, ông Đạt nhập về lô hàng laptop tầm giá 5,4 triệu đồng để đáp ứng nhu cầu học online nhưng cũng nhanh chóng hết hàng, chủ yếu do người mua sỉ.

Tất cả các nhà bán lẻ đều thông tin, nhu cầu mua thiết bị học tập, làm việc từ xa vẫn duy trì mức tăng so với bình thường, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

TP.HCM đang có kế hoạch cho học sinh học online đến hết năm nay, tức hết học kỳ I. Do đó, các nhà bán lẻ dự báo nhu cầu mua thiết bị điện tử phục vụ học tập tại nhà tiếp tục giữ đà tăng đến cuối năm 2021.

Hải Đăng

Chật vật mua laptop cho con học online

Chật vật mua laptop cho con học online

Giao hàng khó khăn, nguồn cung hạn chế, ngân sách hạn hẹp là các lực cản khiến nhiều phụ huynh gian nan mua laptop cho con em trong giai đoạn này.