- Điện thoại di động, sản phẩm đứng đầu trong kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam, đang đứng trước nguy cơ bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế tự vệ với mức cao tới 15%.
Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ vừa cho biết, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức điều tra tự vệ đối với mặt hàng điện thoai di động nhập khẩu từ tháng 12/2014 và hiện đang vào giai đoạn kết thúc điều tra. Theo Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ, khoảng hơn 1/4 kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này là từ Việt Nam, tương ứng với khoảng 791 triệu USD trong năm 2014.
Khởi nguồn của cuộc điều tra tự vệ này là do vừa qua, 5 nhà sản xuất điện thoại thông minh của Thổ Nhĩ Kỳ bao gồm Vestel đã nộp đơn yêu cầu lên Bộ Kinh tế nước này bảo vệ hàng nội địa. Theo đó, nếu bộ này xác định hàng nhập khẩu đã gây bất lợi cho hàng nội địa thì các biện pháp tự vệ trên sẽ được áp dụng, có thể là mức thuế bổ sung cao hoặc chế độ hạn ngạch.
Tại thời điểm này, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã đang đánh giá các lựa chọn cách đánh thuế để quyết định xem áp dụng thuế một mức hoặc thuế lũy tiến sẽ được áp dụng đối với hàng nhập khẩu.
Nếu là thuế lũy tiến thì dự kiến thuế nhập khẩu điện thoại di động vào Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng 10-15 % cho năm đầu tiên. Trong 2 năm tới, tỷ lệ thêm thuế sẽ thấp hơn, và có thể sẽ trở về 0% trong những năm tiếp theo. Có thông tin cho rằng mức thuế trong năm đầu tiên sẽ là 15% và các năm tiếp theo tương ứng là 13% và 11%.
Thương vụ Việt Nam dẫn lai thông tin tại cuộc họp báo của nước này hôm 2/7, ông Zeybekci, bộ trưởng Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, lượng hàng nhập khẩu vào nước này đang bị áp dụng thuế bổ sung và phải bị điều tra tự vệ, chống bán phá giá có giá trị tổng cộng khoảng 35 tỉ USD.
Để bảo vệ sản xuất trong nước, vị lãnh đạo này cũng cho biết sẽ có các biện pháp tương tự đối với các sản phẩm hóa chất nhập khẩu.
"Đây là một dấu hiệu bất lợi cho xuất khẩu của Việt Nam. Vì điện thoại di động là mặt hàng có kim ngạch lớn nhất, chiếm tới gần 1/3 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2014", thương vụ Việt Nam đánh giá.
Tổng Cục Hải quan cũng cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2015, điện thoại di động từ Việt Nam chiếm tỷ trọng tới hơn 47% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang thị trường này.
Thổ Nhĩ Kỳ là nước hiện đang có tình trạng nhập siêu lớn, kèm theo đó là thâm hụt cán cân vãng lai. Chính vì vậy, Chính phủ nước này rất tích cực trong việc sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu.
Theo Thương vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ, trên thực tế, Việt Nam cũng là nước chịu nhiều biện pháp như điều tra chống bán phá giá, điều tra tự vệ và điều tra chống lẩn thuế chống bán phá giá, trong đó có một số vụ việc có dấu hiệu Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ đúng quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Ngay trong vụ việc tự vệ điện thoại di động này, tất cả các ý kiến của các nhà sản xuất điện thoai di động đã nêu tại cuộc điều trần vào tháng 3 /2015 là các căn cứ khởi động của cuộc điều tra này đều không có cơ sở chiểu theo các quy định của WTO.
Khi bị áp dụng các biện pháp phòng vệ, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm đến mức không thể xuất khẩu vào thị trường này.
Ví dụ mặt hàng sợi từ xơ staple tổng hợp (theo mã HS 5509) đã sụt giảm kim ngạch từ 133,5 triệu USD trong năm 2013 xuống mức 31, 4 triệu USD trong năm 2014 khi Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ kỳ bắt đầu khởi động điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng này.
Sau khi Bộ này ra quyết định cuối cùng áp đặt mức thuế chống bán phá giá (bổ sung thêm vào thuế nhập khẩu) từ 20% đến 30% đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vào tháng 8 năm 2014 thì kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này trong 5 tháng đầu năm 2015 chỉ còn là 2,4 triệu USD.
Trong năm 2015, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã tiếp tục điều tra chống bán phá giá với sợi dún (Sợi nhún) của Việt Nam (mã HS 5402), đây cũng là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam với kim ngạch 136,9 triệu USD trong năm 2014 theo số liệu của Viện Thống kê Thổ Nhĩ Kỳ.
Phạm Huyền