Ngành ngân hàng “tín nhiệm” điện toán đám mây

Điện toán đám mây đã xuất hiện gần 20 năm nhưng chỉ thực sự bùng nổ trong vòng 5 năm trở lại đây và đang trở thành "cuộc đua" mới trong ứng dụng công nghệ. Trong thị trường cạnh tranh ngày nay, các tổ chức tài chính luôn tìm cách tạo sự khác biệt và dẫn đầu. 

Đầu tư vào đám mây dẫn đến ba lợi ích chính giúp thúc đẩy đổi mới: trích xuất những hiểu biết mới từ dữ liệu tài chính truyền thống và thay thế; cung cấp khả năng mở rộng và sự linh hoạt để đáp ứng với những thay đổi của thị trường và doanh nghiệp; đồng thời giảm thời gian và nguồn lực cần thiết để quản lý và duy trì cơ sở hạ tầng công nghệ, đồng thời vận hành với các tiêu chuẩn bảo mật cao nhất hiện có và được yêu cầu trong ngành dịch vụ tài chính. 

Việc sử dụng đám mây của các ngân hàng đã trở nên phổ biến, chẳng hạn như các công cụ liên quan đến tiếp thị, nguồn nhân lực, phân tích dữ liệu, cộng tác và quản lý nội dung, công cụ văn phòng hoặc quản lý quan hệ khách hàng. 

Trên thế giới, Ngân hàng Mỹ - Bank of America đã đưa trung tâm dữ liệu lên đám mây từ 2020; JP Morgan Chase cũng hợp tác AWS điện toán về mảng phân tích dữ liệu. Theo cơ quan an ninh mạng châu Âu (ENISA), trên toàn châu Âu, 88% ngân hàng đã sử dụng đám mây. Tại Nhật Bản, theo cơ quan dịch vụ tài chính của Nhật Bản, tỷ lệ chấp nhận đám mây cho các dịch vụ là 100% đối với các ngân hàng lớn và trên 80% đối với các ngân hàng khu vực cấp 1. Tại Trung Quốc, các ngân hàng lớn và ngân hàng thương mại cổ phần cho thấy tỷ lệ chấp nhận trên 90%.

Lễ ký kết hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giữa VPBank và AWS

VP Bank “lên mây” để tiến nhanh hơn 

Mới đây, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã tuyên bố hợp tác với “ông lớn” công nghệ Amazon Web Services, công ty cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất thế giới thuộc tập đoàn Amazon.com. Với việc lựa chọn AWS là đối tác công nghệ chiến lược, VPBank sẽ tận dụng được một trong những nền tảng điện toán đám mây lớn nhất, ổn định nhất thế giới. Nhờ đó, VPBank có thể tiết kiệm chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và tối ưu hóa nguồn ngân sách vận hành hệ thống, đồng thời đẩy nhanh tốc độ ra mắt sản phẩm mới, nắm bắt nhu cầu đa dạng và các đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng. 

Bà Lưu Thị Thảo - Phó Tổng Giám đốc thường trực VPBank chia sẻ: “Hợp tác giữa VPBank và AWS sẽ tạo ra những đổi mới to lớn trong ngân hàng, mở khóa năng lực sáng tạo để đem đến cho khách hàng ngày càng nhiều những tính năng, dịch vụ tài chính mới, thỏa mãn trọn vẹn các nhu cầu đa dạng của khách hàng. Thỏa thuận này cũng sẽ giúp tăng cường bảo đảm tính ổn định của hệ thống công nghệ ngân hàng, đáp ứng các tiêu chí cao nhất về bảo mật và an toàn thông tin, giúp khách hàng cảm thấy an tâm hơn mỗi khi tiến hành giao dịch, đặc biệt là trên môi trường số”. 

 Một điểm giao dịch tự động của VPBank

Một trong những ưu điểm lớn của điện toán đám mây là giúp đẩy nhanh tốc độ phát triển các sản phẩm, dịch vụ mới xuống chỉ còn vài tuần so với phương thức truyền thống vốn mất tới thời gian nghiên cứu và thử nghiệm lên tới nhiều tháng hoặc thậm chí hàng năm. Với nền tảng công nghệ của AWS, VPBank kỳ vọng đi nhanh hơn nữa trong việc xây dựng giải pháp tài chính mới, ra mắt ngày càng nhiều các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phong phú, thuận tiện, đáp ứng các nhu cầu thiết thực của khách hàng.

Năng lực công nghệ là một trong những thế mạnh giúp VPBank nổi trội trên thị trường, là đòn bẩy để ngân hàng tiếp tục có được sự khởi sắc ở các chỉ tiêu hoạt động. 

Năm 2022, lần đầu tiên chỉ số lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) của VPBank đạt 3,7% - kỷ lục trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam cho đến hết năm 2022. Cùng với đó, một lần nữa VPBank khẳng định năng lực tối ưu hiệu quả vận hành hàng đầu trong hệ thống, với chỉ số chi phí trên thu nhập (CIR) ở mức 19,3%.

Điện toán đám mây đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu và không ngoại lệ với doanh nghiệp Việt, đặc biệt là trong ngành ngân hàng. Trong tâm thế chuẩn bị và sẵn sàng cho các ngân hàng áp dụng công nghệ điện toán đám mây, Ngân hàng Nhà nước đã có những chủ trương và hành lang pháp lý hỗ trợ các ngân hàng như “Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030” trong đó xác định, mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 60% ngân hàng Việt Nam sử dụng đám mây và năm 2030 là 100% các ngân hàng và tổ chức tín dụng sử dụng đám mây. 

Phương Dung