- Câu nói của bố: "Mày thi tuyển thế nào thì tuyển, đừng làm xấu mặt tao ra" cũng vô tình trở thành động lực để diễn viên Trung Anh quyết tâm theo đuổi nghiệp diễn.
Trung Anh và NSND Lan Hương trong phim 'Những công dân tập thể". Hai người vào Nhà hát Kịch VN cùng thời điểm và đóng chung với nhau rất nhiều.
30 năm làm diễn viên ở Nhà hát Kịch Việt Nam, đóng vô số vở kịch và bộ phim lớn nhỏ, Trung Anh được xếp vào hàng diễn viên quen mặt trên truyền hình. Tuy nhiên, nam diễn viên thừa nhận thực ra trước đây anh chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm diễn viên. Nói đúng hơn, anh trở thành diễn viên vì 'hoàn cảnh xô đẩy'.
Suýt bỏ nghề đi xuất khẩu lao động
Sau biến cố lớn của gia đình, anh từ Hà Tĩnh ra Hà Nội sống cùng bố. Được vài năm, bố anh đi bước nữa khi Trung Anh mới hơn 10 tuổi. Dù người mẹ kế rất tốt nhưng sống trong cảnh phụ thuộc, cuộc sống lại quá khó khăn khiến cậu bé mới lớn Trung Anh cảm thấy ngột ngạt và muốn dứt khỏi gia đình. Đúng lúc đó, cuối năm 1978, Nhà hát Kịch VN tuyển diễn viên, chàng trai 17 tuổi quyết định chộp lấy cơ hội này.
"Bố tôi làm ở bộ phận hành chính của Nhà hát Kịch VN nhưng không đồng ý cho tôi đi thi song tôi vẫn quyết tâm tự làm hồ sơ, nhờ người giả chữ ký bố. Ngày tuyển sinh bố tôi có nói một câu mà sau này tôi không thể quên: 'Mày thi tuyển thế nào thì tuyển, đừng làm xấu mặt tao ra'. Cũng có thể các cô chú ở nhà hát ưu ái nên cho tôi đỗ dù khi đó Nhà hát chỉ lấy 40 người trong số mấy ngàn người thi tuyển", Trung Anh nhớ lại. Anh bảo chính câu nói của bố khi ấy đã trở thành động lực để anh quyết tâm hơn, để ông không phải xấu mặt với đồng nghiệp cùng cơ quan vì cậu con trai.
Trung Anh thành thực lúc đầu anh chẳng có khái niệm về sự yêu ghét cái nghề diễn này nhưng càng học càng thích, càng làm thì càng say dù đôi lúc cuộc sống cơ cực khiến anh phải phân vân có tiếp tục làm diễn viên nữa hay không.
So với Đỗ Kỷ (trái), Quốc Khánh, Trọng Trinh, Trung Anh có vẻ chìm lắng hơn.
Năm 1982, vừa thi tốt nghiệp trường Sân khấu điện ảnh được 8 ngày trở về nhà hát, Trung Anh và Quốc Khánh, Đỗ Kỷ, Trọng Trinh cùng nhận lệnh nhập ngũ lên biên giới. Anh bảo nhìn lại quãng thời gian vất vả đó anh vẫn sợ nhưng vui vì có thêm vốn sống mà nếu ở thành phố sẽ không có được. 2 năm rèn luyện trong quân ngũ cũng là 2 năm quan trọng trong cuộc đời để anh tích lũy kinh nghiệm giúp Trung Anh vào vai lính ngọt hơn sau này. Tuy nhiên, khoảng thời gian mới trở về từ quân ngũ không dễ dàng với anh.
"Năm 1984, khi trở về, cuộc sống khó khăn đã là 1 chuyện nhưng các bạn học của mình đã vượt chúng tôi rất nhiều. 2 năm đi lính cũng là khoảng thời gian không được làm nghề, thậm chí cuộc sống ở thành phố cũng trở nên xa lạ với chúng tôi chứ đừng nói đến sân khấu. Đó là thời gian tôi suy nghĩ về nghề nhiều. Hồi đó có phong trào đi xuất khẩu lao động. Anh trai tôi nói nếu chán nghề mà muốn đi Liên Xô hay Đức xuất khẩu lao động thì anh sẽ lo cho. Tôi cũng suy nghĩ nhiều về hướng đó nhưng cuối cùng quyết định ở lại với nhà hát", Trung Anh tâm sự.
Mong được đóng vai ác
Tôi hỏi anh đã từng có ý định bỏ nghề không? Trung Anh thành thật rằng có đôi ba lần anh đặt ra câu hỏi này nhưng rồi nhanh chóng từ bỏ. "Từ năm 1992 trở đi, phim ảnh tương đối nhiều, tôi đóng nhiều phim nên cuộc sống đỡ cơ cực hơn. Nhưng thực ra làm phim chỉ là cứu cánh vì tôi mê sân khấu hơn và đó mới là nơi tôi thuộc về. Phim ảnh giờ phù phiếm lắm bởi ngay cả diễn viên trẻ chỉ cần đóng 1-2 phim cũng đã thành ngôi sao này sao nọ. Tôi có đóng phim nhiều cỡ nào thì sân khấu vẫn là lĩnh vực tôi yêu thích và đam mê nhất", giọng anh trầm hẳn xuống.
Trung Anh(trái) trong bộ phim mới nhất vừa đóng máy. 'Những đứa con của làng' của nhà sản xuất Nguyễn Thị Hồng Ngát dự kiến sẽ tranh giải tại LHP quốc tế Hà Nội tới đây.
Nói đến Nhà hát kịch Việt Nam, nơi Trung Anh đã làm việc suốt 30 năm qua, anh chia sẻ mình cảm thấy buồn, buồn vì nhiều năm qua nhà hát không có chỗ diễn, buồn vì có quá nhiều thứ đã thay đổi.
"7 năm nữa tôi mới về hưu nhưng đến bây giờ tôi đã cảm thấy mình không còn là người của nhà hát nữa. 2 năm trở lại đây nhà hát có nhiều chuyện quá. Nhà hát không còn là nhà hát nữa và mọi chuyện rối tung lên. Tiêu chí về nghệ thuật trước đây không còn nữa. Tôi thì không muốn đi theo một định hướng nghệ thuật khác vì đã theo đuổi nó quá lâu. Thế hệ trước chúng tôi quá rực rỡ, quá vàng son và mình bị ngấm phong cách ấy vào người nên không thể đi theo một ngã rẽ khác. Nhà hát Kịch Việt Nam có không còn là 'anh cả đỏ' không phải là vấn đề lớn lắm. Nó có thể xuống cấp về nhiều mặt nhưng định hướng nghệ thuật mất đi và không rõ ràng nữa mới là điều làm chúng tôi chán", Trung Anh trải lòng.
Trung Anh cho biết đã 2 năm nay
không tham gia vở diễn nào mới của Nhà hát Kịch Việt Nam. Anh cho biết, điều anh
mơ ước có một sân khấu riêng (điều Trung Anh và Trần Lực từng cố gắng thực hiện
hơn 10 năm trước nhưng không thành công) để được làm những vở diễn mình yêu
thích. Và anh mong sẽ có nhiều đạo diễn mạo hiểm mà giao cho mình những vai phản
diện thay vì cứ mãi đóng khung Trung Anh vào những vai khắc khổ. Chúc anh sớm toại nguyện, vì anh xứng đáng được như thế!
Hoàng Vy