Theo chuyên gia WorldBank, Thuế suất thuế GTGT của Việt Nam đang ở mức thấp so với mức thuế suất thuế GTGT trung bình trên thế giới là 16%. Do đó, mức tăng thuế suất thuế GTGT mà Bộ Tài chính đề ra là hoàn toàn hợp lý.
Câu chuyện thay đổi luật thuế GTGT
Trong nhiều năm gần đây, để hoàn thành kế hoạch thu ngân sách, Nhà nước đã phải huy động thêm nguồn thu từ cổ tức, lợi nhuận sau thuế và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, nguồn thu này không những không ổn định mà còn làm giảm nguồn lực tái đầu tư của doanh nghiệp nhà nước.
Ngay sau khi Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi 5 luật thuế thì đã có nhiều ý kiến trái chiều, nhất là với việc điều chỉnh một số thuế suất thuế GTGT. Theo đề xuất của Bộ Tài chính, từ đầu năm 2019, hàng hóa, dịch vụ có thuế suất thuế GTGT thông thường 10% sẽ tăng lên 12%. Điều này đang khiến người tiêu dùng nhiều doanh nghiệp lo lắng bởi thuế tăng sẽ làm tăng giá cả hàng hóa, dịch vụ, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, việc điều chỉnh thuế GTGT chỉ ảnh hưởng đến những mặt hàng chịu thuế suất GTGT thông thường và một số mặt hàng thuộc diện được ưu đãi 5%.
Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng thế giới tại Việt Nam, ông Sebastian Eckardt chia sẻ: Thuế GTGT đánh vào tiêu dùng trong nước bao gồm cả hàng hóa dịch vụ nhập khẩu trong khi hàng hóa dịch vụ xuất khẩu không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT nên nó góp phần hỗ trợ tăng tính cạnh tranh quốc tế. Ở nhiều nước đang chuyển đổi cơ cấu thuế phụ thuộc nhiều hơn vào thuế GTGT. Thuế suất thuế GTGT của Việt Nam đang ở mức thấp so với mức thuế suất thuế GTGT trung bình trên thế giới là 16%. Do đó, mức tăng thuế suất thuế GTGT mà Bộ Tài chính đề ra là hoàn toàn hợp lý với thông lệ quốc tế.
Chủ đề được bàn luận trong chương trình Hội nhập phát sóng ngày 21/9/2017 chính là những vấn đề xung quanh câu chuyện thay đổi các luật thuế này. Khách mời cùng thảo luận về chủ đề thay đổi luật thuế lần này là bà Nguyễn Thị Lê Thu - Phó Trưởng ban Chính sách Tài chính công, Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Bộ Tài chính và ông Đỗ Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc hãng kiểm toán AASC.
Bà Lê Thu cho biết, về lý thuyết, khi cắt giảm thuế nhập khẩu, giá của hàng hóa nhập khẩu sẽ giảm xuống, vì thế lượng tiêu thụ hàng hóa nhập khẩu có thể tăng lên và có thể tăng thu thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, đồng thời với việc tăng thu thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu thì việc tiêu dùng hàng hóa trong nước sẽ bị thay thế bởi hàng nhập khẩu do vậy sẽ xảy ra việc giảm thu thuế GTGT đối với hàng hóa trong nước.
Có những ý kiến cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế GTGT sẽ ảnh hưởng lớn tới người nghèo. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Mạnh Cường, việc tăng thuế GTGT ảnh hưởng tới tất cả mọi người dù ít dù nhiều. Nếu xét về góc độ người nghèo, thường sẽ đánh giá về ảnh hưởng thuế với những mặt hàng thiết yếu và cơ bản như lương thực, nông sản, y tế, giáo dục. Những mặt hàng và dịch vụ này hiện nay vẫn đang chịu mức thuế GTGT thấp hoặc không chịu thuế. Bởi vậy, khi tăng thuế thì mức độ ảnh hưởng hầu như không có hoặc không cao.
Cải cách thuế để ngân sách quay lại quỹ đạo bền vững
Thực hiện các cam kết hội nhập khu vực và quốc tế, trong giai đoạn 2018 -2025, phần lớn các dòng thuế nhập khẩu của Việt Nam sẽ bị cắt giảm sâu hoặc về mức 0%. Nguồn thu ngân sách nhà nước lâu nay vốn dựa từ 25 - 30% vào thuế xuất nhập khẩu thì trong thời gian tới lại trông chờ vào tăng thu thuế nội địa. Do vậy, cải cách lại chính sách thuế nhằm cơ cấu lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước là một đòi hỏi cấp bách. Thực hiện mục tiêu này thì bộ tài chính vừa đề xuất dự thảo sửa đổi 5 luật thuế gồm luật thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế tài nguyên.
Những thay đổi này có thể tạo hiệu quả tốt cho nền kinh tế do đã kích thích đầu tư, tăng trưởng và tạo việc làm nhưng cũng khiến cho thâm hụt ngân sách ngày càng tăng dẫn đến tăng nợ công. Vì vậy, điều quan trọng là phải cải cách thuế để việc thu ngân sách quay trở lại quỹ đạo bền vững.
“Hội nhập” phát sóng vào khung giờ 22h45 - 23h15 trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP (www.pvgas.com.vn).
Doãn Phong