- “Sau mổ, tình trạng cặp song sinh vẫn ổn định, được chăm sóc cách ly để chống nhiễm trùng. Đây không phải ca tách dính song sinh đầu tiên nhưng khá phức tạp, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn 1 năm trời”.
Hình ảnh ca phẫu thuật tách cặp song sinh dính liền Hình ảnh ca phẫu thuật tách dính cặp song sinh 14 tháng tuổi tại BV Nhi đồng 2 TP.HCM. |
Chiều 27/11, TS – BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, đồng thời là trưởng ê kíp mổ cho cặp song sinh Long – Phụng đã trả lời VietNamNet như trên.
3 vấn đề cần lo sau ca mổ
“Ca phẫu thuật đã hoàn thành, nhưng chúng tôi vẫn còn 3 việc phải lo trước mắt”, bác sĩ Định nói.
Trước tiên, trong vòng 1 tuần sau mổ, 2 bé Long – Phụng phải được theo dõi thật sát về phòng chống nhiễm trùng. Nếu xảy ra nguy cơ này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả của ca mổ.
Bác sĩ Trương Quang Định cho biết sau ca mổ vẫn còn nhiều vấn đề cần lo lắng. |
Tiếp đến, các bác sĩ phải đánh giá các cơ quan bị dính của 2 bé sau tách rời có hoạt động bình thường hay không.
Đặc biệt, sau khi tách rời 2 bé, lúc tiến hành đóng bụng và ngực, bé Phi Phụng bị khuyết diện rộng cơ, da nên phải dùng mảnh ghép nhân tạo Gortex để thay thế thành bụng. Phần da bụng của bé phải để hở và sử dụng một dụng cụ căng da từ từ.
Chính vì vậy, công việc quan trọng kế tiếp của các bác sĩ là làm phẫu thuật đóng da trong vòng 1 tuần cho bé Phụng.
Theo bác sĩ Định, tuy đây không phải lần đầu nhưng ca phẫu thuật tách dính song sinh Long – Phụng có sự khó khăn khác biệt, yêu cầu đội ngũ phẫu thuật không thể lơ là.
Phần tim, gan, đường mật của 2 bé dính nhau phức tạp. Ở tim, tĩnh mạch chủ trên của bé Phi Phụng đổ vào tâm nhĩ phải của bé Phi Long. Gan dính nhau, bề mặt phân thùy 4 diện rộng, có nhiều mạch máu thông thương giữa 2 gan.
Ngoài ra, xương ức của các bé dính nhau từ mỏm kéo dài xuống tận bụng. Tóm lại, phần áp sát cơ thể của bé Phụng – Long rất dài.
Chuẩn bị 1 năm, tập dợt hàng chục lần
Để tiến tới ca mổ tách dính, ê kíp phẫu thuật đã phải lên kế hoạch cả năm nay, tập dợt hàng chục lần.
BS Định chia sẻ: “Trong những lần tập dợt chúng tôi tự đặt ra các tình huống giả định có thể xảy ra trong ca phẫu thuật và nghĩ cách xử lý. 70 y, bác sĩ cũng được phân công rõ ràng, mỗi người một việc, nhóm nào theo bé nào đều rất bài bản, nhịp nhàng. Chính vì thế lúc tiến hành mổ người nào việc đấy, không hề xảy ra điều gì bất ngờ, mọi thứ y như kế hoạch”.
70 y, bác sĩ đã phối hợp nhịp nhàng, tạo nên thành công cho ca mổ phức tạp này. |
Theo BS Định, lực lượng người cho kíp mổ lần này không phải là nhiều. Với một ca mổ thông thường đã có cả chục y, BS tham gia.
Tham gia ê kíp phẫu thuật cho bé Long – Phụng gồm có các y, BS của Bệnh viện Nhi Đồng 2, Viện Tim, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM.
Trưởng ê kíp ngoại tổng quát là TS - BS Trương Quang Định, Trưởng ê kíp phẫu thuật tim là BS Phan Kim Phương – Giám đốc Viện Tim.
Tổng số lượng người tham gia trong ca mổ khoảng 70 y, bác sĩ.
Ca phẫu thuật diễn ra từ 6h55 phút và kết thúc vào 16h45 phút ngày 26/11.
BS Định tiên lượng, nếu mọi việc vẫn diễn tiến tốt như hiện nay, hai bé vượt qua được ca phẫu thuật thì khả năng phục hồi về sau là rất cao.
Được biết, tổng chi phí cho ca mổ tốn 250 triệu đồng. Số tiền này được một đơn vị mạnh thường quân tài trợ.
Cặp song sinh dính liền một bé bị sốt, ảnh hưởng thận Tối ngày 27/11, TS – BS Trương Quang Định đã cho biết như trên. Cụ thể, diễn tiến sức khoẻ cặp song sinh dính liền Phi Long – Phi Phụng 24 h sau ca phẫu thuật đang có những thay đổi. Bé Phi Long vì trước mổ khỏe mạnh nên hậu phẫu nhẹ nhàng hơn. Bé bị sốt nhẹ, chức năng thận bị ảnh hưởng do tình trạng tăng áp lực ổ bụng làm giảm máu tưới thận. Tuy nhiên, theo các bác sĩ điều này hoàn toàn bình thường và nằm trong dự tính. Riêng bé Phi Phụng do thở máy kéo dài nên sau mổ phải thở máy với thông số cao. Nhịp tim của bé Phụng chậm 80 lần/ phút. Các bác sĩ đã đặt máy tạo nhịp cho nhịp tim tăng lên 120 lần/phút. Ngoài ra, ngày 27/11 bé Phụng đã được đặt khung kéo 2 mép da để hy vọng sau 1 tuần có thể tiến hành mổ khâu lại da thành bụng và thành ngực. |
Thanh Huyền