Bộ phim của cố đạo diễn, NSND Trần Ðắc cũng là một trong những tác phẩm điện ảnh cách mạng có sức sống mãnh liệt nhất của điện ảnh Việt Nam. Bối cảnh phim là khí thế sục sôi những ngày trước cách mạng tháng Tám năm 1945 và trận đói kinh hoàng năm ấy.
Các diễn viên đã góp phần tạo nên sự thành công của bộ phim kinh điển "Sao Tháng Tám" giờ kẻ còn người mất. |
Với diễn xuất tài tình của dàn diễn viên, bộ phim đã khắc họa lại thời khắc căng thẳng trong cuộc đấu trí giữa những nhân vật đưa bộ phim đến tầm kinh điển có hơi hướng hành động của điện ảnh Việt Nam. Sau hơn 40 năm, bộ phim vẫn thể hiện sức sống trường tồn cùng lịch sử.
Cho đến nay, những người diễn viên năm ấy có người đã đi xa, có người đã ở tuổi xế chiều, lên chức ông bà… nhưng ký ức với họ vẫn còn rất tươi mới.
Khi tham gia bộ phim này, nghệ sĩ Dũng Nhi mới hơn 20 tuổi và đang theo học ngành sư phạm. Trước đó, nam nghệ sĩ không có ý định trở thành một diễn viên. Thời điểm nghệ sĩ Dũng Nhi gặp đạo diễn Trần Đắc là khi ông đang tìm diễn viên cho bộ phim “Bài ca ra trận”.
Nhưng tiếc thay ở thời điểm đó, nam nghệ sĩ đã có giấy gọi nhập ngũ nên dù đạo diễn họ Trần ra sức thuyết phục nhưng ông vẫn lên đường. Nam nghệ sĩ nhập ngũ rồi tham gia trận chiến 81 ngày đêm tại chiến trường Quảng Trị khốc liệt. Năm 1973, ông được ra quân (vì gia đình đã có 2 anh trai là liệt sĩ), đạo diễn Trần Đắc tiếp tục mời ông đóng vai Lê Mã Lương trong phim “Bài ca ra trận”. Sau đó, khi khởi quay “Sao Tháng Tám”, Dũng Nhi được đạo diễn họ Trần giao vai Kiên.
Dù bước vào phim ảnh trong tâm thế của một người tay ngang “lấn sân” nhưng người nghệ sĩ này đã thể hiện được tài năng của mình khi lột tả chân thực hình ảnh của một người thanh niên trí thức đến với cách mạng nhưng vẫn đau đớn, xót xa cho chị gái.
Nam nghệ sĩ nhớ rằng, “Sao tháng Tám” là bộ phim đen trắng màn ảnh rộng đầu tiên của Việt Nam. Bộ phim được làm suốt 2 năm từ 1975 đến 1976 và thực hiện các cảnh quay rất cầu kỳ. Mọi người đều dồn hết tâm lực cho phim.
Đã hơn 40 năm trôi qua nhưng nghệ sĩ Dũng Nhi vẫn nhớ kỷ niệm đóng phim ngày đó. |
Ám ảnh nhất với ông là cảnh Kiên bị thương, nhỏm dậy nhìn người chị gái (kẻ đã gián tiếp khiến quân Nhật nổ súng vào anh) với ánh mắt vừa xa xót, đau đớn cho tình chị em vừa căm phẫn bởi người vốn là chị ruột mình nay theo kẻ thù tàn sát đồng bào, bắt bớ đồng chí của mình… Đôi mắt Kiên nhìn chị trước khi ngã vật xuống giường và ra đi là đôi mắt phải dồn nén nhiều thứ cảm xúc, nhiều thông điệp…
“Khi đó tôi khóc tự nhiên, nước mắt ướt đầm đìa. Bối cảnh thật, xúc động thật, đâu cần đến kỹ thuật, kỹ xảo gì”, nam diễn viên nhớ lại.
Trong các tuyến nhân vật, vai của của NSƯT Thanh Tú gây ấn tượng hơn cả. Vai Nhu của bà phải biến đổi mình từ hình ảnh thanh lịch của cô nữ sinh Đồng Khánh tới cô công nhân lam lũ, mang bụng bầu đi làm việc trong nhà máy điện Yên Phụ; tới dáng vẻ bình thản của cô gái đi khâu thuê, người đánh giậm dưới ao, người bán bánh cuốn khéo nói hòng che mắt mật thám, tìm cách liên lạc với đồng đội, đồng chí của mình, gây dựng cơ sở cách mạng; cả tới ánh mắt cương nghị, lời nói quyết tâm khi lãnh đạo phong trào ở vùng ven Hà Nội và ở nhà máy điện... Với vai diễn này bà đã đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc của Liên hoan phim Việt Nam 1977.
Nghệ sĩ Thanh Tú vai Nhu trong "Sao Tháng Tám". |
Nữ nghệ sĩ kể, vai chị Nhu trong phim đến với bà rất tình cờ. Đó là vào năm 1976, khi đạo diễn Trần Đắc thấy đạo diễn Phạm Văn Khoa đang thử vai bà để vào phim “Chị Dậu”, ông liền “nhặt” bà vào luôn vai chị Nhu. Lúc đạo diễn họ Trần quyết định chọn bà, giám đốc hãng phim không đồng ý. Ông cho rằng, bà không phù hợp với vai nữ chiến sĩ chịu khổ chịu sở để hy sinh cho cách mạng nhưng đạo diễn vẫn không thay đổi ý định.
Bằng sự động viên, chỉ bảo tận tình của đạo diễn Trần Đắc, nghệ sĩ Thanh Tú đã làm cho mọi người phải quên đi những vai diễn “tiểu thư phố cổ” trước đó của mình. Thời gian quay phim cũng đã để lại cho nữ nghệ sĩ biết bao kỷ niệm. Bà từng kể, lúc quay ở nhà máy điện Yên Phụ, giờ nghỉ trưa, cả đoàn đi ăn ở chợ Châu Long gần đó. Bà tình cờ gặp một công nhân đi lấy xỉ than. Người công nhân này hỏi bà làm nghề gì, bà đùa bảo mình làm nghề nhặt than… và người công nhân đó không mảy may nghi ngời bởi lúc đó bà vẫn đang mặc trang phục công nhân.
“Anh cười, nói tôi ăn trắng mặc trơn sẽ ăn đứt các diễn viên điện ảnh. Anh bảo về ở với anh cho đỡ phải đi nhặt than và rủ tôi đi chơi suốt cả buổi trưa. Hôm sau có cảnh quay, tôi thấy anh vẫn đợi ở chỗ hôm trước. Có lẽ lúc xem phim, anh ấy mới biết tôi là diễn viên. Lúc đó, tôi đã có con trai 7 tuổi”, nữ nghệ sĩ kể.
Nữ nghệ sĩ kể thêm rằng, để có thể diễn cho ra hồn cảnh chị Nhu thâm nhập vào Phật giáo hòng truyền bá và giác ngộ lý tưởng cách mạng, bà phải tìm đến chùa Bà Đá (Hà Nội) nghe giảng pháp, học cách tụng kinh, học cách nói kệ… Để tụng được bài kinh trong “Sao Tháng Tám” bà phải học thuộc lòng bài kinh đó và phải có những hiểu biết nhất định về Phật pháp.
Sau khi hoàn thành bộ phim này, nữ nghệ sĩ đã tạm dừng đóng phim một thời gian khá dài vì bà sợ không thể vượt qua nổi “cái bóng” của vai chị Nhu trong phim. Mãi đến gần đây, bà mới chịu trở lại với lọt phim truyền hình nhưng cũng toàn đóng những vai khác trước.
Nghệ sĩ Thanh Hiền dù đã ở tuổi lục tuần vẫn giữ tình yêu với phim ảnh. |
Với NSƯT Thanh Hiền thì vai người nông dân tên Mến trong phim chính là vai diễn đưa bà đến với điện ảnh và truyền hình. Ấn tượng của bà về những tháng ngày tham gia phim thời đó không phải là sự gian khổ, vất vả mà là áp lực tâm lý. Nữ nghệ sĩ từng chia sẻ, bà lo lắng, căng thẳng đến mức run quá không diễn được nhưng nhờ sự giúp đỡ, động viên của ê-kíp làm phim lúc bấy giờ, nữ diễn viên trẻ tuổi ngày ấy đã làm tròn vai diễn của mình.
Cho đến thời điểm này, nữ nghệ sĩ đã bước qua tuổi lục tuần nhưng vẻ giữ được vẻ xinh đẹp thuần Việt ngày nào. Sau hơn 30 năm gắn bó với nghiệp diễn, NSƯT Thanh Hiền vẫn luôn cống hiến hết mình cho điện ảnh và trở thành gương mặt quen thuộc của khán giả trong rất nhiều bộ phim.
Trong số các diễn viên gắn bó với phim thì NSƯT Đức Hoàn giờ đã là “người thiên cổ”. Theo NSƯT Thanh Tú kể lại, trước khi nhận vai Kiều Trinh - một nhân vật phản diện trong “Sao Tháng Tám”, nữ nghệ sĩ đã là một diễn viên nổi tiếng, được đông đảo người hâm mộ biết đến với vai Mỵ trong phim “Vợ chồng A Phủ” (đạo diễn Mai Lộc) sản xuất năm 1961.
Cố nghệ sĩ Đức Hoàn |
Từ năm 1967 đến năm 1972, Đức Hoàn theo học lớp đạo diễn điện ảnh Đại học quốc gia Moskva. Trong sự nghiệp làm đạo diễn của mình, Đức Hoàn có nhiều bộ phim đáng nhớ như: Từ một cánh rừng, Hà Nội mùa chim làm tổ, Tình yêu và khoảng cách, Đời mưa gió, Ám ảnh… Bà là một nữ đạo diễn rất có nghề trong khai thác tâm lý phụ nữ giữa muôn mặt đời sống.
Suốt 40 năm trong nghề, NSƯT Đức Hoàn chỉ nhận đóng 4 vai lớn (không tính những vai phụ sau này) thì trong đó có 3 vai đã đưa bà vào lớp diễn viên tên tuổi của điện ảnh Việt Nam. Nhiều đạo diễn nhận xét, hiện nay có rất nhiều lớp diễn viên trẻ tài năng nhưng cũng chưa so sánh được với hình ảnh Đức Hoàn tài sắc vẹn toàn của thập niên 60 ngày ấy. Chỉ tiếc là khi đang còn nhiều đam mê và cống hiến thì nữ nghệ sĩ lại ra đi ở tuổi 66.
Theo Dân Trí
Chuyện đời buồn của Thanh Tú 'Sao tháng Tám'
Trải qua trùng điệp những trắc trở và chênh vênh, nghệ sĩ Thanh Tú không còn đủ sức để rơi nước mắt. Bà tìm vào quên lãng cho những chuyện buồn đã qua và dạy mình quen dần với nỗi cô đơn vây kín mỗi ngày.