Giảm gần 1,1 triệu địa chỉ IP Việt Nam trong các mạng máy tính ma
Cụ thể, theo số liệu của hệ thống giám sát tập trung của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), tại thời điểm đầu tháng 12/2020, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma là 1.052.479 địa chỉ.
Tỷ lệ địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng botnet giảm. Đơn vị tính: Nghìn địa chỉ |
Tiếp đó, trong tháng 1/2021, con số này còn 1.004.706 địa chỉ, giảm 1,05% so với tháng 12/2020 và giảm 29,85% so với cùng kỳ tháng 1 năm ngoái. Trong tháng 2/2021, số địa chỉ IP Việt Nam nằm trong các mạng máy tính ma chỉ còn 917.492 địa chỉ, giảm 8,68% so với tháng 1/2021 và giảm 44,16% so với cùng kỳ tháng 2 năm ngoái.
Điều này cũng chỉ ra rằng, liên tiếp khoảng 8 tháng gần đây, số lượng địa chỉ IP Việt Nam trong các mạng máy tính ma đều có xu hướng giảm.
Nguyên nhân số địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma giảm tiếp trong 2 tháng đầu năm nay, theo đánh giá của các chuyên gia NCSC, là do các cá nhân, tổ chức, đơn vị đã nâng cao nhận thức và tích cực phối hợp xử lý, bóc gỡ mã độc ngay cả sau chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020”.
Tính từ trước khi mở chiến dịch rà soát và xử lý mã độc cho đến cuối tháng 2/2021, tổng số địa chỉ IP Việt Nam không còn nằm trong các mạng máy tính ma là gần 1,1 triệu. (Ảnh minh họa: Internet). |
Chiến dịch “Rà soát và xử lý mã độc trên toàn quốc năm 2020” được Bộ TT&TT khởi động từ khoảng giữa tháng 7/2020 và kết thúc vào giữa tháng 12/2020, hướng tới mục tiêu dài hạn là đảm bảo an toàn cho người dùng trên không gian mạng Việt Nam, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Được triển khai trên toàn bộ không gian mạng Việt Nam, chiến dịch do Trung tâm NCSC thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT trực tiếp là đầu mối phối hợp, đồng hành với các doanh nghiệp làm an toàn thông tin trong và ngoài nước thực hiện.
Trước khi chiến dịch này diễn ra, theo nghiên cứu của các hãng bảo mật, tình trạng lây nhiễm mã độc tại Việt Nam tuy có giảm hơn song vẫn ở mức cao so với các nước trên thế giới. Số liệu thống kê thực tế khi đó cho thấy, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, trong đó khoảng 3 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong danh sách đen của nhiều tổ chức quốc tế; 2 triệu địa chỉ IP thường xuyên nằm trong các mạng máy tính ma lớn.
Trao đổi với ICTnews, Giám đốc Trung tâm NCSC Trần Quang Hưng cho biết, chiến dịch “Rà soát và xử lý mã độc trên toàn quốc năm 2020" đã thu được những kết quả rất tích cực, đạt mục tiêu giảm 50% số lượng địa chỉ IP nhiễm mã độc/botnet tại Việt Nam. Bên cạnh đó, chiến dịch còn được hiệu ứng lan truyền, nâng cao nhận thức về an toàn an ninh mạng cho tất cả mọi người.
Theo thống kê, trong thời gian chiến dịch được triển khai, đã có khoảng trên 8 triệu lượt người dùng tiếp cận chiến dịch, 5 triệu người đã tham gia và sử dụng công cụ cung cấp miễn phí được cung cấp.
Đặc biệt, vào đầu tháng 12/2020 - thời điểm chiến dịch gần kết thúc, số lượng địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma là 1.052.479 địa chỉ, giảm khoảng 48% so với thời điểm trước chiến dịch (2.014.512 địa chỉ).
Như vậy, tính từ trước khi mở chiến dịch “Rà soát và xử lý mã độc trên toàn quốc năm 2020" cho đến cuối tháng 2/2021, con số địa chỉ IP Việt Nam không còn nằm trong các mạng máy tính ma là gần 1,1 triệu địa chỉ.
Bước khởi đầu cho cuộc chiến trường kỳ trên không gian mạng
Trong báo cáo mới nhất của Kaspersky Security Network, ông Yeo Siang Tiong - Tổng giám đốc Kaspersky Đông Nam Á đã đưa ra nhận xét: “Bất chấp tình hình đầy thách thức do đại dịch gây ra, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực về an ninh mạng nhờ nỗ lực phối hợp của chính phủ và các đối tác tư nhân trong chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc năm 2020” do Trung tâm NCSC phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước triển khai”.
Giám đốc NCSC Trần Quang Hưng cũng chia sẻ, chiến dịch rà soát và xử lý mã độc trên toàn quốc chính là hoạt động nổi bật, có ý nghĩa nhất của cơ quan này trong năm 2020. “Kết quả quan trọng nhất của chiến dịch không phải là việc giảm được 50% tỷ lệ mã độc, tỷ lệ địa chỉ IP Việt Nam nằm trong mạng máy tính ma, mà quan trọng hơn cả là lần đầu tiên có một hoạt động thu hút, kêu gọi được sự tham gia, chung tay của đông đảo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân”, đại diện Trung tâm NCSC bày tỏ.
Cụ thể, theo phân tích của Trung tâm NCSC, để chiến dịch thu được những kết quả tích cực kể trên, là nhờ sự đồng hành triển khai của các doanh nghiệp trong Liên minh phòng chống mã độc và xử lý tấn công mạng và doanh nghiệp quốc tế, hệ thống các đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin tại các tỉnh, thành và bộ ngành; đặc biệt là người dùng, doanh nghiệp.
Đại diện NCSC nhấn mạnh, rà soát và xử lý mã độc là một cuộc chiến dài hạn, không phải chiến dịch kết thúc là xong. Chiến dịch “Rà soát và xử lý mã độc trên toàn quốc năm 2020” chính là khởi đầu cho một cuộc chiến “trường kỳ” của Việt Nam trên không gian mạng.
Thời gian tới, có rất nhiều việc chúng ta phải tiếp tục làm, từ việc sử dụng phần mềm bản quyền, có "hệ miễn dịch" an toàn thông tin của riêng Việt Nam, cho tới việc nâng cao ý thức của người dân, nhận thức của doanh nghiệp.
Trong năm 2021, các chương trình có tính chất cộng đồng sẽ tiếp tục được Trung tâm NCSC phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị triển khai. Mục đích là làm sao để các chương trình này trở thành hoạt động thường xuyên, vừa giúp mọi người vừa nâng cao được nhận thức chung về đảm bảo an toàn, an ninh mạng, vừa tăng tính đoàn kết giữa các cơ quan, đơn vị.
Vân Anh
Công bố bản đồ thời gian thực về chiến dịch bóc gỡ mã độc trên toàn quốc
Sau 10 ngày triển khai chiến dịch “Rà soát và bóc gỡ mã độc trên toàn quốc 2020”, hơn 100.000 máy tính nhiễm mã độc đã được hỗ trợ xử lý. Để cộng đồng thuận tiện theo dõi, bản đồ thời gian thực về chiến dịch vừa được ra mắt.