Bạn đã từng sống chung ký túc với một anh chàng lười giặt giũ bao giờ chưa? Anh bạn này thích, hoặc thực ra là chấp nhận, mặc đi mặc lại một bộ quần áo trong nhiều ngày, kể cả quần lót.
Khi chiếc quần của anh ta vượt qua được bài kiểm tra mùi, bằng chính mũi của anh ấy, và tất nhiên là không có một vệt màu nâu nào – anh ta nghĩ mình có thể mặc nó thêm một lần nữa. "Không giặt quần áo thì tiết kiệm nước, mà tiết kiệm nước là bảo vệ môi trường", anh bạn nói.
Nhưng liệu mặc lại quần lót có gây hại gì không? Một chiếc quần có thể mặc đi mặc lại tối đa bao nhiêu ngày? Hãy cùng tìm hiểu xem.
Dưới lớp quần áo bình thường, đồ lót ôm lấy cơ thể bạn và có một nhiệm vụ quan trọng, ngăn chặn chất thải của cơ thể. Nói một cách khác, trên đồ lót của bạn ít nhiều đều có những phân tử nước tiểu và phân tích tụ lại.
Chúng ta hãy nhớ lại rằng vi khuẩn sẽ phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt. Vì vậy, mặc đi mặc lại một chiếc quần lót trong nhiều ngày thì việc vi khuẩn bùng nổ và chiếm đóng đáy quần của bạn chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
Ngoài ra, "độ ẩm trong vùng háng dẫn đến sự phát triển quá mức của nấm", Lauren Eckert Ploch, một bác sĩ da liễu tại New Orleans, cho biết. Điều này có thể gây ra một số loại phát ban khác nhau, bao gồm bệnh hăm da (thường xuất hiện giữa các nếp gấp ở nách, cổ, bẹn) và hắc lào (còn được gọi là bệnh nấm ngứa đáy quần).
Nhiều tác nhân gây bệnh sống trên da của chúng ta trong điều kiện bình thường mà không gây hại. Nhưng một số điều kiện thích hợp thúc đẩy chúng sinh sôi nảy nở nhanh chóng và trở thành vấn đề. Hai trong những "điều kiện thích hợp" này nhiệt độ và độ ẩm – thứ luôn có trong vùng khí hậu mà chiếc quần lót của bạn tạo ra, tại bất kỳ thời điểm nào dù bạn có vừa thay nó hay đã mặc mấy ngày liền.
Vấn đề của thời gian, bác sĩ Ploch cho biết, là vi khuẩn hoặc nấm men tích tụ đủ nhiều có thể dẫn đến ngứa, đau và phát ban. Quá nhiều vi khuẩn có thể gây ra mụn trứng cá hoặc u nang ở vùng háng.
Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là sự xuất hiện của các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh như tụ cầu staphylococcus. Nhiễm trùng tụ cầu ở vùng kín có thể gây đau đớn và nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách. Trong những trường hợp cực kỳ hiếm gặp, tụ cầu có thể gây chết người nếu chúng đi ngược lên đường tiết niệu và vào được máu gây nhiễm trùng huyết.
Nhưng có vẻ chúng ta đã tưởng tượng hơi quá, hình phạt cho một anh chàng mặc lại đồ lót không nặng đến nỗi khiến anh ta mất mạng. Nhưng có một điều chắc chắn, anh ấy sẽ bị xa lánh, ngay cả khi không ai kể chuyện đó ra ngoài cho mọi người biết.
Bác sĩ Ploch chắc chắn rằng mặc lại đồ lót sẽ khiến cho vùng dưới của anh bạn bốc mùi. Đó là kết quả của mồ hôi, vi khuẩn, nấm, chất thải, da chết tích tụ lại. Và mùi hôi này khá dễ phát hiện bởi những người xung quanh. Sẽ chẳng có ai muốn ngồi gần anh ta trên giảng đường hay trên xe bus, và thậm chí cả trong phòng của bạn.
Vậy, lời khuyên cho anh bạn lười giặt giũ là gì? Hãy thay ngay cái quần lót bẩn của anh ấy ra. Đừng nghĩ rằng ngửi nó không có mùi thì có thể mặc lại thêm một ngày nữa.
Bác sĩ Ploch khuyên mọi người nên thay quần lót ít nhất một lần mỗi ngày, bạn có thể cần thay 2 lần nếu vận động nhiều hoặc chơi thể thao. Ví dụ, chiếc quần lót bạn mặc buổi chiều không nên chính là chiếc quần đã mặc sau tiết thể dục buổi sáng. Bạn nên thay nó ra đi thôi.
Hãy gửi cho anh bạn của mình bài viết này, để anh ta hiểu rằng giữ cho cơ thể của mình sạch sẽ tránh khỏi sự phát triển quá mức của vi khuẩn sẽ tốt hơn so với tiết kiệm được một chút nước giặt ủi.
Và nếu anh bạn của bạn quan tâm đến môi trường, hãy bảo anh ấy giặt tay cho đỡ tốn nước, có thể không cần xà phòng cũng được. Giặt quần lót và phơi nó khô ngoài nắng, tia cực tím sẽ giúp diệt sạch vi khuẩn.
Theo GenK