Bài viết là quan điểm của biên tập viên Harish Jonnalagadda, Android Central.
Kể từ thời điểm iPhone X được ra mắt vào năm 2017, giá trung bình cho các mẫu điện thoại mới nhất của các hãng được ra mắt thường rơi vào khoảng 1,000 USD. Galaxy S20 thời điểm đầu ra mắt có giá khởi điểm là 1.000 USD, Motorola Edge Plus độc quyền của Verizon cũng có giá 1.000 USD.
Thậm chí, Xiaomi, một hãng điện thoại có giá tầm trung cũng không nằm ngoài vòng quay với mẫu Mi 10 Pro, có giá bán lẻ là 999 euro (1.080 USD) tại Anh.
iPhone thường xuyên tung ra các bản cập nhật cho tất cả các mẫu điện thoại của họ. Ảnh: Android Central. |
Việc những mẫu điện thoại thông minh ngày nay có mức giá cao hơn phần lớn đến từ việc cải thiện các tính năng như tích hợp mạng 5G, màn hình hiển thị tốt hơn hay tốc độ xử lý cao hơn. Chỉ riêng các tiêu chuẩn mới cũng khiến giá điện thoại tăng từ 100-200 USD.
Điểm yếu cố hữu của Android
Trong khi những mẫu điện thoại mới nhất chạy hệ điều hành Android đều có giá cao hơn cũng như sở hữu cấu hình tốt hơn, có một thứ vẫn không thay đổi là bản cập nhật phần mềm. Hầu hết thương hiệu hiện vẫn cam kết cung cấp các bản cập nhật trong 3 năm. Điều đó nên được thay đổi.
Xét theo trải nghiệm sử dụng, phần mềm quan trọng hơn bất kỳ thông số kỹ thuật nào khác trong năm 2020. Bất kể bạn chi bao nhiêu tiền để mua điện thoại, nếu phần mềm không có gì đặc biệt, bạn sẽ có trải nghiệm không tốt.
Trong bối cảnh đó, cập nhật phần mềm là điều vô cùng quan trọng. Hệ điều hành Android 10 đã không mang đến quá nhiều thay đổi so với các phiên bản trước đây. Nhưng với những hãng điện thoại chỉ cam kết hai bản cập nhật Android thì chỉ có những mẫu điện thoại mới nhất của họ mới được sử dụng hệ điều hành Android 10. Điều này khiến các mẫu điện thoại cũ bị ghẻ lạnh.
Google là hãng duy nhất có thể cập nhật ít nhất 3 phiên bản Android cho smartphone của mình. Ảnh: The Verge. |
Đây là điều mà iPhone đã đi trước Android trong nhiều năm. Mặc dù Google yêu cầu các thương hiệu phải cung cấp ít nhất 2 lần nâng phiên bản hệ điều hành, phần lớn các nhà sản xuất khác đều không làm như vậy.
Trên thực tế, Google không thể làm quá nhiều điều để thay đổi các quy tắc xưa cũ về việc nâng cấp hệ điều hành của Android. Dù vậy, họ cũng đã có những cố gắng khi tích hợp hệ điều hành Android 10 cho mẫu Pixel XL thế hệ đầu tiên của hãng. Dự kiến, Pixel 3 và Pixel 4 cũng sẽ nâng cấp tới 3 phiên bản Android, trong khi Android 11 cũng sẽ xuất hiện trên đời Pixel 2.
Bằng cách đảm bảo rằng các mẫu điện thoại mới nhất của Pixel nhận được ba bản cập nhật nền tảng, Google sẽ cung cấp ít nhất một bản cập nhật phiên bản nhiều hơn so với các hãng điện thoại chạy hệ điều hành Android khác. Mặc dù điều này vẫn không thể so sánh với số lượng bản cập nhật của iPhone, nhưng nó là một khởi đầu tốt. Tuy nhiên, có một sự thật là có rất ít các hãng điện thoại khác làm được điều tương tự như Google.
Các hãng đi sau Apple rất xa
Samsung là một gã khổng lồ và cũng là đối trọng lớn nhất của Apple. Nếu họ quyết định thay đổi các quy tắc, phần lớn các hãng điện thoại khác cũng sẽ làm điều tương tự. Mặc dù vậy, những mẫu điện thoại đời cũ tầm trung của hãng như Galaxy A lại không được cập nhật đều đặn dù bán chạy tại thị trường châu Á. Điều này dẫn đến việc Samsung chỉ cung cấp các bản cập nhật phần mềm cho những mẫu điện thoại cao cấp và đời mới của hãng.
Ngoài Google, các hãng Android kém xa iPhone ở khía cạnh cập nhật phần mềm. Ảnh: Android Central. |
Mới đây, Apple đã cho ra mắt chiếc iPhone SE 2020. Mặc dù đây chỉ là chiếc điện thoại tầm trung với mức giá rơi vào khoảng 399 USD, nhưng nó lại được trang bị chip A13 Bionic mới nhất, cũng được Apple trang bị trên chiếc iPhone 11 Pro Max. Điều này có nghĩa là iPhone SE 2020 sẽ nhận được các bản cập nhật trong ít nhất 4 năm nữa. Đó sẽ là điều khác biệt hoàn toàn so với những mẫu điện thoại có chung tầm giá của Android.
Thực tế, mọi người đang sử dụng những chiếc điện thoại của họ trong thời gian khá lâu. Việc những mẫu điện thoại tầm trung dù có mức giá rẻ hơn nhưng vẫn được trang bị phần cứng hiện đại, không có lý do gì để người dùng thay đổi điện thoại thường xuyên. Ví dụ, Galaxy A71 được trang bị chip Snapdragon 730, khiến chúng trở thành một trong những chiếc điện thoại tầm trung của Samsung có cấu hình mạnh mẽ nhất.
Tóm lại, các nhà sản xuất Android nên nghiêm túc xem xét chiến lược của họ. Sự ra mắt của iPhone SE 2020 là hồi chuông cảnh báo cho sự chênh lệch giữa Android và iOS. Chúng ta sẽ phải chờ xem liệu rằng đây có phải là chất xúc tác khiến những nhà sản xuất Android thay đổi trong tương lai hay không.
(Theo Zing)
Tim Cook: người dùng Android sẽ chuyển sang dùng iPhone SE
Theo Tim Cook, người dùng chọn iPhone SE mới vì hai lý do chính. Thứ nhất, có nhiều người muốn một chiếc điện thoại nhỏ hơn nhưng trang bị công nghệ mới nhất. Lý do thứ hai chính là những người muốn chuyển từ điện thoại Android sang iOS.