- Không một cơ quan nào ở Hà Tĩnh nắm được thông tin chiếc chiếc Landcruiser GX.R V8 bạc tỷ đeo biển công vụ giả mà ông Hồ Anh Tuấn đang sử dụng có nguồn gốc từ đâu. Bản thân ông Tuấn thì từ chối tiết lộ.
Trưởng ban Quản lý KKT đi xe sang biển xanh giả Dư luận tại Hà Tĩnh đang rất quan tâm tới chiếc xe Lancruiser trị giá hơn 4 tỷ đồng (sau thuế) mà ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng BQL KKT tỉnh sử dụng. Đáng chú ý, biển kiểm soát công vụ của chiếc xe này là giả. |
Liên quan đến chiếc xe Landcruiser GX.RV8 mang BKS công vụ giả 38A-000.23 mà ông Hồ Anh Tuấn – Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế (BQL KKT) Hà Tĩnh đang sử dụng, điều tra của VietNamNet cho thấy, có nhiều điều lạ về gốc tích của chiếc xe này.
Mặc dù đã được lưu hành gần 1 năm, mang BKS công vụ hẳn hoi nhưng cơ quan quản lý là Phòng CSGT và Đăng kiểm Hà Tĩnh không hề hay biết.
Chiếc xe sang mang biển công vụ giả mà ông Tuấn vẫn sử dụng gần 1 năm qua nhưng CSGT không hay biết. |
Chỉ đến khi báo chí phản ánh thì các cơ quan này mới kiểm tra và biết được chiếc xe chưa được đăng ký, khám lưu hành và sử dụng biển xanh giả.
“Nếu phát hiện chiếc xe này chạy trên đường thì chúng tôi sẽ kiểm tra và xử lý. Bởi về nguyên tắc chiếc xe này chưa được phép lưu thông”, một lãnh đạo Phòng CSGT nói.
Một nguồn tin của VietnamNet xác nhận, chiếc xe sang ông Tuấn đang sử dụng có nguồn gốc từ Lào, được đưa về Việt Nam dưới hình thức trao tặng.
Một lãnh đạo Chi cục Hải quan Cầu Treo thông tin, chiếc xe không làm thủ tục thông quan, nhập khẩu qua cửa khẩu này.
Theo cán bộ hải quan này, nếu xe nhập khẩu chính ngạch bắt buộc phải mới 100% và phải làm thủ tục thông quan và nộp thuế. Bộ hồ sơ bao gồm, tờ khai hải quan, hợp đồng mua bán; hóa đơn mua bán; bảng kê… Và như chiếc xe trên thì còn đóng thuế khoảng 200% (thuế nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt…).
Đối với cơ quan thuế và đăng kiểm, hai đơn vị này cũng không biết được về lai lịch chiếc xe sang mà ông Hồ Anh Tuấn đang sử dụng, bởi chưa tiến hành làm bất kỳ thủ tục nào.
Một lãnh đạo cấp phòng ở Sở Tài chính Hà Tĩnh phân tích, khi mua sắm xe công vụ thì BQL KKT Hà Tĩnh phải xin phép UBND tỉnh và báo cáo Sở Tài chính. Và sau khi xem xét mức độ phù hợp, thấy cần thiết, UBND tỉnh phê duyệt thì mới được mua loại xe nằm trong tiêu chuẩn.
“Theo như báo chí phản ánh thì chiếc xe sang trên giá trị khoảng 4 tỷ đồng, vượt rất nhiều lần so với hạn mức tiêu chuẩn mà Trưởng ban QL KKT được sử dụng. Và chắc chắn tỉnh không bao giờ chấp thuận cho mua. Thế nên cần loại bỏ thông tin chiếc xe đó mua bằng tiền ngân sách.
Thứ nữa, trường hợp là xe dự án thì cũng không thể bởi BQL KTT là cơ quan quản lý nhà nước, không phải đơn vị thực hiện các dự án ODA. Chỉ có ông Tuấn mới biết chiếc xe trên ở đâu ra”, cán bộ Sở Tài chính này cho biết thêm.
Được biết, chiếc xe Landcruiser mang BKS công vụ giả 38A – 000.23 được ông Tuấn sử dụng gần 1 năm trời, nhưng chẳng cơ quan nào biết đến vì bản thân ông Tuấn và BQL KKT chưa trình hồ sơ xe cho các cơ quan quản lý.
Rất nhiều cơ quan quản lý tại Hà Tĩnh không biết được gốc tích của chiếc xe sang trị giá khoảng 4 tỷ đồng này. |
Có ý kiến cho rằng, ông Tuấn và BQL KKT phải giải trình trước UBND tỉnh và công luận về nguồn gốc chiếc xe trên. Nếu xe hợp pháp thì nên trình ra và tiến hành nộp thuế trước bạ, đăng ký, đăng kiểm để lưu hành.
Tuy nhiên, dư luận cũng nghi ngại rằng, nếu xe hợp pháp thì không tội gì ông Tuấn phải sử dụng biển kiểm soát công vụ giả để lưu hành gần 1 năm trời.
“Chắc chắn phải có điều gì đó không bình thường thì mới không đăng ký được và phải đeo biển giả”, một ý kiến phản hồi với VietNamNet.
Phóng viên VietNamNet đã nhiều lần liên lạc với ông Hồ Anh Tuấn để nắm thêm thông tin vụ việc.
Tuy nhiên, ông Tuấn đều không bắt máy. Đến tối 22/9, ông Tuấn cầm máy nhưng đã từ chối trả lời trước bất cứ thông tin nào.
Duy Quang – Văn Đức