- Sức mua trầm lắng khiến tình kinh doanh tại các siêu thị, trung tâm thương khá ảm đạm, kéo dài từ đầu năm đến nay do sức mua trầm lắng, dịp Quốc khánh 2/9 được kỳ vọng là thời điểm tốt để kích cầu, mở đầu mùa mua sắm, tăng doanh số các tháng cuối năm của nhiều doanh nghiệp bán lẻ lớn.

Như thường lệ, giảm giá các mặt hàng thiết yếu, tặng quà và tặng kèm khi mua hàng, gia tăng các dịch vụ hỗ trợ khách hàng mua sắm... là các hình thức được giới kinh doanh bán lẻ áp dụng. Tại Co.opmart tổ chức chương trình khuyến mãi với hơn 2.000 sản phẩm với mức giá giảm đến 49% từ sự tham gia của hơn 600 nhà cung cấp.

Ngoài ra, nhà bán lẻ nội địa có tiếng này còn dự kiến thực hiện 200 chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng Việt về phục vụ người dân tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Đây là lực lượng đông đảo với nhu cầu mua sắm tiêu dùng hết sức đa dạng, góp phần không nhỏ vào việc tăng doanh số của các nhà bán lẻ trong bối cảnh sức mua trầm lắng hiện nay.

Các hệ thống siêu thị lớn của nội như Fivimart, Intimex... tại Hà Nội cho biết đã chuẩn bị lượng hàng dự trữ dồi dào hơn ngày thường, chuẩn bị các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng, tăng cường chất lượng dịch vụ từ thu ngân đến trông giữ xe, vận chuyển hàng hóa... để có thể phục vụ nhanh chóng, hiệu quả lượng khách đến mua sắm tăng trong 3 ngày nghỉ liên tiếp.   

Vượt ra ngoài khuôn khổ doanh thu, một số trung tâm mua sắm hiện đại tập trung tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, giao lưu hoạt náo nhằm tạo ra một sân chơi thu hút đủ mọi lứa tuổi. Trong số này phải kể đến chuỗi sự kiện hấp dẫn kéo dài nhân dịp chính thức mở cửa đón khách mua sắm, vui chơi vào ngày 31/8 của Trung tâm thương mại giải trí Indochina Plaza Hà Nội.

Quản lý trung tâm này bật mí, để đảm bảo thu hút hàng ngàn lượt khách, trở thành điểm đến cho các hoạt động xã hội, các sự kiện vui chơi giải trí của Thủ đô, ngay trong tuần lễ Quốc khánh, người dân đến tham quan, mua sắm sẽ được tận hưởng không khí vui vẻ, hứng khởi của lễ hội Carnival, thưởng thức ẩm thực với giá ưu đãi, miễn phí wifi, được xem các chương trình thể thao toàn cầu trên các màn hình lớn. Bên cạnh các màn biểu diễn thời trang, giao lưu ca nhạc với các ca sĩ nổi tiếng, người mua sắm sẽ được hưởng các khuyến mại, giảm giá đặc biệt đến 50% của từng gian hàng trong trung tâm thương mại.

Nâng đỡ nguồn cầu

Kinh tế khó khăn, sức mua sa sút, cạnh tranh gay gắt là thực tế khó khăn mà không nhà bán lẻ nào phủ nhận từ đầu năm đến nay. Hiện tại, đơn vị nào tạo được một điểm đến tin cậy, vui nhộn, thu hút đông khách hàng đã là một thành công, chứ chưa nói tới tăng doanh thu.

Chia sẻ về bí quyết lôi cuốn khách hàng đến với mình, lãnh đạo nhiều hệ thống bán lẻ lớn tại Hà Nội đều chung nhận định, thứ nhất các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, hóa mỹ phẩm thì rất cần thiết phải chú ý thực hiện, duy trì các chương trình khuyến mãi.

Không như trước kia, các khuyến mãi năm nay phải tập trung đánh thẳng vào giá thành. Dẫu biết rằng lợi nhuận thu được từ việc kinh doanh các mặt hàng thiết yếu là không nhiều nhưng việc liên kết, chia sẻ giảm lợi nhuận giữa các đầu mối để giảm trực tiếp từ 3-5-10% vào sản phẩm cho người mua là một phương án có phần khả dĩ.

 

Một cách làm khác nữa đó là liên tục chăm chút duy trì và phát triển hệ thống khách hàng thân thiết của siêu thị. Không chỉ các chương trình khuyến mại chạy thường niên vào các dịp lễ tết, việc linh hoạt, thực hiện các ưu đãi riêng hàng tuần hướng đến các đối tượng này cũng là một cách làm mới và tinh tế. Điển hình của cách làm này, được các khách hàng phản hồi tốt là hệ thống Fivimart.

Theo đó thường thứ ba hàng tuần, hệ thống đều có tin nhắn tới các khách hàng thân thiết thông báo giảm giá một số mặt hàng thiết yếu mà khách hàng hay dùng hoặc tùy theo giá trị hóa đơn mua sắm, từ 300.000-600.000 đồng, siêu thị sẽ tặng kèm những sản phẩm được ưa chuộng như 1kg táo, gói bột mỳ, chai nước mắm, vài lon bia hoặc túi nước xả vải, khăn mặt bông... Tuy phần quà có giá trị vừa phải nhưng tạo được tâm lý phấn khởi khi mua sắm.

Kích cầu tiêu dùng, giữ ổn định chỉ số giá (CPI), tránh tốc độ tăng giá quá thấp là vấn đề nổi cộm Hà Nội cần đạt được vào các tháng cuối năm. Ông Nguyễn Văn Đồng - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, bày tỏ quan ngại, chưa thực hiện chương trình bình ổn giá mà tốc độ tăng CPI của Hà Nội 8 tháng đầu năm đã rất thấp so với cùng kỳ năm 2011.

Trong 2-3 tháng liền CPI của thành phố tháng sau đều thấp hơn tháng trước. Tuy nhiên, từ tháng 8 do bước vào mùa mua sắm tiêu dùng cuối năm nên CPI bắt đầu tăng lên theo chu kỳ. Vì thế công tác bình ổn giá cả tiếp tục được đặt ra. Theo mục tiêu, Hà Nội phấn đấu duy trì mức tăng CPI 5-6%, so với năm ngoái, tránh để CPI xuống thấp quá.

Ông Đồng nhận xét, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành phố hiện rất khó khăn, sức mua cùng khả năng thanh toán của người dân đang giảm mạnh. Ngay cả các đại siêu thị lớn của ngoại hiện kết quả kinh doanh cũng không đạt như các năm trước.

Thực hiện chương trình cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định giá cả thị trường, thành phố sẽ sử dụng 376 tỷ đồng vốn ngân sách không tính lãi suất, tạm ứng vốn cho các doanh nghiệp. Toàn bộ số tiền này đáp ứng bình quân 8% so với nhu cầu tổng mức 10 nhóm mặt hàng thiết yếu trong một tháng. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ tổ chức 365/400 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng Việt về các quận, huyện, thị xã nhằm ổn định giá cả, chất lượng hàng hóa, đặc biệt ở khu vực nông thôn, các khu công nghiệp, công nhân.

Nguyễn Nga