Chợ rau là cách gọi bình dân của chợ nông sản Đà Lạt ở khu vực Trại Mát (phường 11, TP Đà Lạt). Dù được đầu tư xây dựng khang trang nhưng chợ rau Đà Lạt đang lâm cảnh ế ẩm, có nguy cơ phải chuyển đổi mục đích.

Bị 'ghẻ lạnh', rau quả Trung Quốc ế ẩm
Tiết lộ của tiểu thương về rau quả Trung Quốc

Giá rau hữu cơ đắt 'cắt cổ'

Đưa vườn rau về nhà

Chợ Hà Nội: Rau xanh, cá tăng giá

Chúng tôi đến chợ rau vào giữa trưa, đây là thời điểm nông sản chở từ vườn ra chợ để sơ chế trước khi chuyển đi tiêu thụ. Dù vậy, không khí nơi đây đìu hiu, vắng vẻ, thi thoảng mới có một chuyến xe tải nhỏ vào chợ.

Hơn nửa số quầy nông sản đang cửa đóng then cài, những quầy mở cửa cũng hoạt động uể oải. Có lẽ sôi động nhất là quầy giải khát ở ki ốt ngoài cùng của chợ. Đây chính là nơi cánh bốc vác tập trung uống cà phê, tán gẫu trong lúc rảnh rỗi. Anh Huỳnh Minh Khánh, tổ trưởng tổ bốc vác, cho biết, dạo này chợ vắng quá, anh em ít việc, thành thử thu nhập cũng “bèo”, mỗi ngày khoảng 100.000 đồng, có ngày chỉ 70.000 đồng.

Không chỉ những người làm nghề bốc vác mà các chủ quầy nông sản cũng kêu trời vì chợ vắng. Chủ quầy nông sản Ngát cho biết, từ ngày chuyển sang chợ mới, mỗi ngày chỉ đóng đi được vài tạ hàng. Lời lãi chẳng bao nhiêu, trong khi đó, khoản tiền đầu tư xây dựng ki ốt đến hơn 100 triệu đồng, lại còn các khoản phí vệ sinh, bảo vệ hàng tháng… Chính vì vậy, nhiều người tìm cách sang nhượng quầy, hoặc chấp nhận đóng cửa bỏ không để ra ngoài làm ăn.

Ông Nguyễn Thế Hiền, Tổ phó tổ chợ nông sản Đà Lạt, cho biết, chợ đưa vào hoạt động từ tháng 4-2009 với mục đích tập trung hoạt động giao dịch rau của Đà Lạt. Tuy nhiên, hiện chỉ có 60 quầy (trong tổng số 113 quầy) hoạt động. Lượng rau giao dịch tại chợ chỉ khoảng trên 20 tấn/ngày, chủ yếu là bắp sú, khoai tây và cà rốt. Nguyên nhân chợ vắng, theo ông Hiền, là do chợ nằm trái đường, xe phải vòng tới vòng lui để đóng hàng, chi phí xăng dầu cao.

Giờ cao điểm nhưng chợ nông sản Đà Lạt vẫn vắng vẻ.

Trong khi đó, ông Đặng Mậu Nhi, Phó ban quản lý chợ Đà Lạt (đơn vị chủ quản chợ nông sản) thì cho rằng, nguyên nhân chợ rau hoạt động kém hiệu quả là do một số chủ vựa chuyển về Đức Trọng, Đơn Dương làm ăn, vì ở đó hàng nông sản nhiều chủng loại và tập trung hơn, chứ không manh mún như ở Đà Lạt. Việc quy hoạch, thiết kế chợ ban đầu cũng có hạn chế, diện tích quầy quá nhỏ (16m²).

Với những lý do đó, Ban quản lý chợ Đà Lạt vẫn chưa thể đưa ra được giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động của chợ rau. “Đơn vị cũng đang bàn bạc, có thể đề xuất chuyển mục đích chợ rau sang chợ tổng hợp phục vụ nhu cầu nhân dân khu vực Trại Mát để tránh lãng phí” - ông Đặng Mậu Nhi cho biết.

Nếu ý tưởng đó được triển khai, chợ rau đầu mối của xứ rau sẽ không còn.

Bắp sú rớt giá thê thảm

Nhiều ngày qua, giá bắp sú tại TP Đà Lạt và huyện Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) rớt xuống còn 500 đồng đến 1.000 đồng/gốc (khoảng hơn 1kg), chỉ bằng khoảng nửa chi phí đầu tư. Nhiều vườn bắp sú đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái không đoái hoài, nông dân bỏ thối vì bán không đủ tiền công thu hoạch. Nguyên nhân bắp sú ế ẩm, rớt giá là do hàng đông lạnh xuất khẩu không “ăn”, trong khi sản lượng lớn, thị trường nội địa tiêu thụ không hết.

Tình trạng được mùa rớt giá trước đây cũng từng xảy ra với một số loại rau khác của Lâm Đồng như: cà chua, xà lách… do nông dân mạnh ai nấy làm và không có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

(Theo SGGP)