Hãng thiết bị công nghệ DJI Technology của Trung Quốc, thương hiệu nổi tiếng với drone, flycam và gimbal chống rung, đang trải qua đợt cắt giảm nhân sự mạnh mẽ. Ở trụ sở chính Thâm Quyến (Quảng Đông), DJI đã giảm đội ngũ tiếp thị và bán hàng từ 180 xuống còn 60 người trong vài tháng qua.

Đội ngũ sản xuất video toàn cầu của DJI, vốn chuyên làm phim giới thiệu tiềm năng của thiết bị bay DJI, cũng đã cắt giảm từ 40-50 nhân viên ở thời điểm cực thịnh xuống còn 3 người. 

Giải thích về chuyện này, một phát ngôn viên của DJI chia sẻ, từ năm 2019 công ty nhận ra cấu trúc của mình trở nên khó quản lý sau nhiều năm tăng trưởng mạnh mẽ. “Chúng tôi đã phải đưa ra một số quyết định khó khăn để bố trí lại nhân sự, nhằm tiếp tục đạt được các mục tiêu kinh doanh trong khoảng thời gian đầy thử thách”, phát ngôn viên này nói thêm.

DJI kiểm soát hơn 70% thị trường drone, trong khi hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan ước tính thị trường này sẽ đạt giá trị 8,4 tỷ USD trong năm nay. Thành lập bởi Frank Wang khi anh này vẫn còn là sinh viên vào năm 2006, DJI được ghi nhận là đi tiên phong trong thị trường non trẻ của mình, trở thành niềm tự hào của Trung Quốc.

Mặc dù vậy DJI đang phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn ở Mỹ. Công ty không nằm ngoài vòng xoáy nơi chính quyền của Tổng thống Donald Trump mở chiến dịch chống các công ty Trung Quốc. Bộ Nội vụ Mỹ hiện đình chỉ không dùng thiết bị bay DJI của họ từ tháng 1 vì vấn đề an ninh, mối nghi ngờ mà DJI nói là không có cơ sở.

Tháng trước, một số nhà nghiên cứu người Mỹ và Pháp cho biết, ứng dụng di động của DJI đang thu thập nhiều thông tin hơn mức cần thiết. DJI phản bác, cho rằng báo cáo chứa những phát ngôn không chính xác và gây hiểu lầm. Ở Châu Âu, căng thẳng có thể chưa lên cao với DJI, nhưng thời gian đầu của cuộc khủng hoảng Huawei cũng vậy.

{keywords}
Nguyên nhân DJI cắt giảm nhân sự hàng loạt hiện chưa rõ ràng. Nhưng thực tế DJI không nằm ngoài vòng xoáy nơi chính quyền Mỹ mở chiến dịch chống các công ty Trung Quốc.

Một số cựu nhân viên vừa bị cắt giảm chia sẻ, họ được cho nghỉ việc vì lý do virus Corona ảnh hưởng đến doanh số bán hàng. Tuy nhiên, DJI cũng công bố rất ít thông tin tài chính kinh doanh của mình, khiến không thể biết công ty bị ảnh hưởng đến đâu bởi dịch bệnh. Thay vào đó, không ít cựu nhân viên cho rằng cuộc “cải cách” xuất phát từ yếu tố địa chính trị.

Đầu năm nay, Mario Rebello, cựu Phó chủ tịch của DJI khu vực Bắc Mỹ, cùng Martin Brandenburg, Giám đốc phát triển khu vực Châu Âu, đều ra đi sau những mâu thuẫn với lãnh đạo trụ sở chính. Các vị trí đứng đầu ở cả 2 thị trường này hiện đều được nắm giữ bởi người Trung Quốc, mới chuyển từ Thâm Quyến sang năm ngoái.

Một dấu hiệu nữa là, DJI cũng đã bỏ đội ngũ dịch thuật nội bộ của mình. Các thông báo của công ty giờ đây hiếm khi được xuất bản bằng tiếng nào khác ngoài tiếng Trung. Tài liệu nội bộ “Tầm nhìn và Giá trị” được xuất bản bằng tiếng Trung vào tháng 12 năm ngoái, đến giờ vẫn chưa có phiên bản tiếng Anh.

Anh Hào (Theo Reuters)

Mỹ chặn công ty công nghệ hợp tác với Trung Quốc

Mỹ chặn công ty công nghệ hợp tác với Trung Quốc

Từ ngày 13/8, chính phủ Mỹ sẽ không mua hàng hóa hay dịch vụ từ bất kỳ công ty nào sử dụng sản phẩm của 5 công ty Trung Quốc, bao gồm Huawei, Hikvision, Dahua, Hytera và ZTE.