Thời gian vừa qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp rơi xuống vực của sự khủng hoảng, những doanh nghiệp bám trụ còn lại cũng không biết số phận mình sẽ ra sao.

Trên thực tế, sức mua đang có xu hướng giảm sút gián tiếp khiến các doanh nghiệp không thể tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ thêm, đồng nghĩa với việc nếu tiếp tục sản xuất doanh nghiệp sẽ có thể bị lỗ dẫn đến nguy cơ phải ngừng sản xuất, phải đóng cửa và kéo theo hàng trăm ngàn người mất việc làm. Chính vì vậy, lúc này rất cần Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ban ngành có một gói các giải pháp tổng thể để cứu doanh nghiệp, hay nói cách khác là cứu nền kinh tế.

Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, doanh nghiệp phải vượt lên chính mình

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, Chính phủ đang tìm mọi cách để hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chính sách tài khóa, mà điển hình là các ưu đãi về thuế như treo thuế, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế…Việc gia hạn, miễn thuế, các khoản thu thuế chính là hình thức hỗ trợ gián tiếp nguồn lực tài chính và trực tiếp làm giảm chi phí lãi vay ngân hàng tương ứng với số tiền thuế, khoản thu ngân sách nhà nước được gia hạn, miễn thuế. Điều này đã mang lại những thuận lợi cho doanh nghiệp, nhưng làm giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Cần phải thấy rằng giảm thu hôm nay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp tục phát triển, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều sản phẩm, nhiều của cải vật chất cho xã hội, tăng doanh thu, lợi nhuận và như thế sẽ tác dụng trở lại - góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước trong tương lai.

Ở đây cũng có yếu tố thúc đẩy doanh nghiệp phải nỗ lực vượt lên chính mình, khẳng định chất lượng sản phẩm dịch vụ, khẳng định thương hiệu... của các doanh nghiệp, để cùng chung tay, chung sức với Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn.


Trong tình hình rất khó khăn, cấp bách, có khả năng quyết định tính sống còn của hàng loạt doanh nghiệp, để giải quyết vấn đề này không thể phụ thuộc hoàn toàn từ một phía Nhà nước mà rất cần có nỗ lực cả từ phía doanh nghiệp (bao gồm cả các cổ đông) và người lao động. Nếu doanh nghiệp không cơ cấu lại hoạt động đầu tư, sản xuất, cắt giảm các chi phí không cần thiết... chắc chắn cũng sẽ khó lòng vượt qua cho dù có sự “tiếp sức” của Chính phủ.

Nộp thuế là chung sức với Nhà nước vượt qua giai đoạn khó khăn

Nộp thuế là nghĩa vụ của doanh nghiệp. Nhưng việc thực hiện nghĩa vụ thuế này đang gặp rất nhiều trắc trở - một phần do thực trạng hoạt động khó khăn trong thời gian gần đây, một phần do thói quen và “văn hóa nộp thuế” của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, treo thuế, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế, trước sau doanh nghiệp cũng vẫn phải nộp thuế. Như lời phát biểu của Ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Công ty Vietnam Report - đơn vị chủ trì triển khai xây dựng Bảng xếp hạng doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000): “Doanh nghiệp giàu, đất nước mạnh. Thuế là công cụ chủ yếu tạo ra nguồn thu cho ngân sách nhà nước và là biện pháp quan trọng để điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Do vậy, việc các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành chính sách thuế, tạo nên "nồi cơm chung" cho xã hội, có vai trò quyết định đối với sự phát triển của đất nước”.

Tất nhiên, trong nộp thuế cũng còn nhiều vấn đề ví dụ như việc cho phép gia hạn 9 tháng đối với thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy băn khoăn. Câu hỏi đặt ra là đối với các doanh nghiệp có năng lực như các doanh nghiệp V1000, đã nghiêm chỉnh nộp thuế đúng quy định rồi thì có được hồi lại không?.

Và doanh nghiệp nợ đọng thuế vì năng lực cạnh tranh yếu, trình độ quản trị yếu được treo thuế, giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế thì thật không công bằng với những doanh nghiệp luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ về thuế với nhà nước. Quả thật, nếu không có cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cho các doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh, phù hợp với mục tiêu tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng tạm thời đang gặp khó khăn thì sẽ không tạo được động lực cho doanh nghiệp. Ở đây, cần thừa nhận một thực trạng là trong các chính sách hỗ trợ, các doanh nghiệp quy mô lớn, có đóng góp lớn dường như chưa có được sự nhìn nhận công bằng và theo quy luật của thị trường. Thật ra, với nguồn lực nhà nước hạn hẹp như hiện nay, cần ưu tiên doanh nghiệp có năng lực và có khả năng hấp thụ hiệu quả các nguồn hỗ trợ.

Nhiều doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp V1000 mong muốn các đề xuất về giảm mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT có được sự chấp thuận và triển khai thực hiện càng nhanh càng tốt.

Trong khi chờ đợi các quyết sách về tiếp theo của Quốc hội về thuế, sự giúp sức của doanh nghiệp dù là nhỏ, trước hết thông qua việc nghiêm chỉnh nộp các khoản thuế đến hạn nộp cũng sẽ giúp Chính phủ, giúp cả nền kinh tế có thêm sức mạnh để vượt bão khủng hoảng./.
 

Tiến sỹ Phạm Trí Hùng