- Trong 6 tháng mà người vi phạm cố ý trốn tránh, không chấp hành bản án thì chuyển từ phạt tiền sang phạt tù. Đây là một trong những điểm mới của dự thảo bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi được các DN và luật sư góp ý tại hội thảo sáng nay.

Theo tờ trình về dự án BLHS sửa đổi gửi Ủy ban Thường vụ QH, có hai loại ý kiến.

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng cần thiết bổ sung cơ chế chuyển phạt tiền hoặc cải tạo không giam giữ thành tù trong trường hợp người bị kết án không chấp hành phạt tiền, án cải tạo không giam giữ để đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Đây cũng là kinh nghiệm của một số nước như Đức, Nhật…

{keywords}

Loại ý kiến thứ hai cho rằng cần phải cân nhắc, thận trọng. Bởi lẽ việc chuyển đổi như vậy là theo hướng nặng hơn, từ không tù trở thành tù. Còn nếu chuyển đổi thì tỉ lệ chuyển đổi là bao nhiêu, đặc biệt là tỉ lệ chuyển tiền thành tù và trong trường hợp khung hình phạt được áp dụng không có quy định hình phạt tù.

Tờ trình cũng nêu rõ quan điểm của Chính phủ là đồng tình với việc chuyển đổi hình phạt tiền sang tù là góp phần đảm bảo tính khả thi, tính răn đe, phòng ngừa của loại hình phạt này.

Thảo luận tại hội thảo, khá nhiều ý kiến ủng hộ việc chuyển đổi hình phạt tiền sang phạt tù. Tuy nhiên một số ý kiến cho rằng cần kéo dài thời hạn thi hành án từ 6 tháng lên 12 tháng để người bị kết án có điều kiện thi hành án, sau đó nếu không thực hiện hãy chuyển đổi sang hình phạt tù. Một số ý kiến thì cho rằng cần xây dựng cơ chế chuyển đổi phạt tiền sang phạt tù có thời hạn cụ thể tương ứng với từng mức tiền phạt để tránh tùy tiện.

Bà Lê Thị Hòa, Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp cho biết trong dự thảo mới đây đã thống nhất có cơ chế quy đổi cụ thể đối với khung vừa quy định hình phạt tiền và tù thì thẩm phán sẽ ấn định mức phạt tù trên cơ sở khung quy định tương ứng.

Ví dụ như tội gây ô nhiễm môi trường phạt từ 100 triệu - 200 triệu đồng thì tương ứng với mức phạt tù 2 - 7 năm. “Trường hợp mà nhiều điều khoản không quy định hình phạt tù thì chúng tôi chuyển đổi luôn. Cụ thể những tội có mức phạt tiền từ 30 triệu – 100 triệu tương ứng 1 năm tù, 100 triệu – 500 triệu thì tương ứng 1 – 3 năm tù, trên 500 triệu tương ứng 3 - 5 năm tù”, bà Hòa nói.

Xử phạt hành chính khó phát hiện thủ đoạn tinh vi

Liên quan đến vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân cũng còn nhiều ý kiến gây tranh cãi. Nhiều ý kiến đồng tình với việc nên truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân để gỡ vướng cho nhiền vụ việc như vụ công ty VEDAN xả thải ra sông Đồng Nai hay Nicotex (Thanh Hóa) chôn thuốc trừ sâu gây ô nhiễm môi trường…

{keywords}
Nhiều ý kiến đồng tình với việc chuyển đổi hình phạt tiền thành phạt tù nếu người vi phạm chậm thi hành án

LS Trần Vũ Hải cho rằng “nếu không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thì tất cả các doanh nghiệp nước ngoài vi phạm sẽ biến mất trong vòng 24 giờ”.

Một đại biểu khác nêu thc tế có những vi phạm xảy ra thì bản thân ông TGĐ hay ông chủ tịch HĐQT không thể nào đứng chịu trách nhiệm hết được. Vì vấn đề này còn liên quan đến nghĩa vụ bồi thường thiệt hại thì tài sản của một cá nhân không thể nào đủ để khắc phục hậu quả gây ra. Ví dụ như vụ VEDAN, riêng chi phí bỏ ra để truy thu phí bảo vệ môi trường là 127 tỷ, khắc phục đối với công nghệ xử lí hết 33 triệu USD, tiền bồi thường cho người dân 220 tỷ đồng. Tổng số tiền này gấp gần 4.000 lần so với xử phạt hành chính. Với số tiền này thì cá nhân không thể đáp ứng được.

Tuy nhiên cũng nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân, tăng hình phạt tiền hoặc rút giấp phép kinh doanh, cấm kinh doanh một số ngành nghề sẽ ảnh hưởng đến người lao động, trong khi người lao động lại không có lỗi gì. Theo ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, một DN đóng cửa kéo theo rất nhiều hệ lụy. Vì vậy cần tham vấn rộng rãi cộng đồng để có thêm ý kiến nhiều chiều.  

Thu Hằng