Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục PTTH&TTĐT) Lê Quang Tự Do cho rằng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội và người dùng cần phải chung tay, chia sẻ trách nhiệm cùng cơ quan quản lý nhà nước để lành mạnh hóa môi trường mạng.

Việt Nam hiện đang có hơn 35 triệu người sử dụng mạng xã hội (mạng XH), chiếm 37% dân số, với thời lượng trung bình khoảng 2 giờ 18 phút mỗi ngày. Bên cạnh những mặt tích cực không thể phủ nhận trong đời sống xã hội hiện đại, mạng XH cũng tạo ra những bất cập cho cá nhân người dùng và doanh nghiệp. Theo GS.TS. Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, mạng XH đã bị lợi dụng trở thành công cụ miễn phí và vô hình mà bất cứ ai cũng có thể dùng để tấn công hay trục lợi từ những phát ngôn truyền bá bạo lực và thù hận (hate speech) đối với cá nhân và tổ chức. Tình trạng này đang ngày càng nghiêm trọng và đang tạo nên thách thức lớn tại Việt Nam.

{keywords}

Ông Lê Quang Tự Do phát biểu tại hội thảo.

Kết quả khảo sát của VPIS ghi nhận, 78% người được hỏi tại Việt Nam khẳng định từng là nạn nhân hoặc biết những trường hợp phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội. Trong đó, 61,7% người sử dụng mạng XH từng chứng kiến hoặc trở thành nạn nhân của những phát ngôn nói xấu, phỉ báng, bôi nhọ danh dự. Tỉ lệ này ở những nội dung vu khống, bịa đặt thông tin là 46,6%.

Nâng cao ý thức của người Việt khi sử dụng mạng XH

Phát biểu tại hội thảo “Phát ngôn gây thù ghét và các giải pháp hướng tới một môi trường mạng xã hội an toàn và phát triển bền vững”, do VPIS, Trường ĐHKHXH&NV và Cục PTTH&TTĐT phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 12/4, ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục PTTH&TTĐT nhấn mạnh: "Thực ra, môi trường mạng XH bị vẩn đục chủ yếu là vì yếu tố dân sự, vì các hành vi giao tiếp, ứng xử chưa văn hóa trong môi trường mạng, cách sử dụng mạng XH chưa văn minh hoặc lợi dụng các diễn đàn công khai này để đả kích, nói xấu, bôi nhọ lẫn nhau. Vì vậy, việc lập lại trật tự, chấn chỉnh và tái lành mạnh hóa môi trường mạng XH có mục đích cao nhất là phục vụ người sử dụng".

Theo ông Lê Quang Tự Do, người Việt Nam nổi tiếng yêu nước, nhưng khi tham gia mạng XH, một số người đã vô tình làm hình ảnh đất nước xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế. Ông lấy ví dụ về một bài hát của ca sĩ Sơn Tùng M-TP trên YouTube, trong khi khán giả nước ngoài bình luận rất văn minh, nhiều bạn trẻ Việt đã có những tranh luận thiếu lịch sự, thiếu văn hóa. Điều này có nguy cơ khiến bạn bè thế giới đánh giá tiêu cực về người VN.

Vì vậy, vị đại diện Cục PTTH&TTĐT đặt ra vấn đề phải làm sao nâng cao nhận thức của người sử dụng mạng XH ở VN, khơi dậy lòng yêu nước của người Việt gắn với thái độ giữ gìn hình ảnh của đất nước, dân tộc mình trên môi trường mạng.

Siết chặt quản lý mạng XH ở VN

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Bộ TT&TT đã ban hành các văn bản quy định, điều chỉnh và giám sát chặt các hoạt động cung cấp thông tin trên mạng XH ở VN. Trong đó, Thông tư 09/2014/TT-BTTT ngày 19/8 có nội dung quản lý hoạt động của các trang mạng XH trong nước. Các trang mạng XH ở nước ngoài khi vào VN sẽ phải tuân thủ Thông tư 382016/TT-BTTT ngày 26/12/2016 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng xuyên biên giới. Cả hai thông tư này đều dựa trên một căn cứ chung là Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

{keywords}

Toàn cảnh hội thảo.

Đối với các trang mạng XH trong nước, Bộ đã có quy định quản lý rõ và rất nghiêm, yêu cầu các chủ dịch vụ phải đáp ứng được một loạt điều kiện mới được cấp phép. Một điều kiện quan trọng trong số đó là yêu cầu các doanh nghiệp, chủ cung cấp mạng XH trong nước phải thực hiện đăng ký, lưu trữ thông tin cá nhân của người dùng. Bên cạnh đó, họ cũng phải đảm bảo các trách nhiệm theo quy định, đặc biệt là phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước gỡ bỏ, ngăn chặn thông tin sai phạm kịp thời, trong vòng tối đa 3 tiếng đồng kể từ khi phát hiện sai phạm. Với các quy định như vậy, trong thời gian qua, Cục PTTH&TTĐT ghi nhận, hoạt động của các trang mạng XH trong nước tương đối tốt, nhìn chung tuân thủ các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, việc quản lý các trang mạng XH nước ngoài cung cấp vào VN còn nhiều thách thức vì các quy định đối với những mạng XH này ở nước ngoài chưa đáp ứng được các đòi hỏi của VN. Thông tư 38 được Bộ TT&TT ban hành cuối năm 2016 do đó nhằm buộc các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài cung cấp mạng XH vào VN thì phải tuân thủ các quy định của pháp luật VN, đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước của VN ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin bị nhà chức trách xác định là vi phạm pháp luật VN như tuyên truyền chống phá nhà nước VN; tuyên truyền, kích động bạo lực, thù hằn sắc tộc, tôn giáo, chia rẽ dân tộc; kích động khủng bố; xúc phạm nói xấu lẫn nhau; tung tin giả, thông tin bịa đặt, nói sai sự thật, ... theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Nếu các trang mạng XH không chịu phối hợp với cơ quan quản lý VN trong việc thực hiện các quy định của pháp luật VN, nhà nước VN có quyền sử dụng các biện pháp, kể cả biện pháp kỹ thuật để gỡ bỏ những nội dung vi phạm này.

Xây dựng Bộ quy tắc ứng xử cho mạng XH Việt Nam

Do các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, thay đổi hình thức vi phạm liên tục, khó phát hiện; số lượng blog cá nhân của người sử dụng VN nhiều, khó thống kê, đánh giá; nhiều đơn vị vi phạm thiết lập mạng XH có hệ thống ở nước ngoài, sử dụng tên miền quốc tế để cung cấp xuyên biên giới vào VN, gây trở ngại, phức tạo cho việc xử lý trong bối cảnh lực lượng quản lý nhà nước cùng trang thiết bị, biện pháp kỹ thuật ngăn chặn còn nhiều hạn chế, ... Bộ trưởng Bộ TT&TT đã kêu gọi cộng đồng mạng, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng XH và toàn xã hội chia sẻ trách nhiệm với các cơ quan nhà nước, cùng chung tay xây dựng một bộ quy tắc ứng xử để xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.

Ông Lê Quang Tự Do đề xuất xây dựng "Bộ quy tắc ứng xử cho mạng xã hội Việt Nam" dựa trên Bộ quy tắc ứng xử của Liên minh châu Âu đã ký với 4 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng XH lớn trên thế giới là Facebook, YouTube, Twitter và Microsoft. Mục tiêu là xây dựng bộ quy tắc ứng xử được các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài vào VN chấp nhận trong khi người VN cũng cảm thấy phù hợp, tạo được sự đồng thuận của toàn xã hội.

Cùng quan điểm với đại diện Cục PTTH&TTĐT, tại hội thảo, nghiên cứu sinh tiến sĩ Lê Thị Thiên Hương từ ĐH Poitiers, Pháp chia sẻ một số giải pháp cho vấn nạn phát ngôn gây thù ghét trên mạng xã hội tại Pháp. Theo bà Thiên Hương, giải pháp đầu tiên chính là đặt ra khuôn khổ luật pháp rõ ràng, cụ thể và nghiêm khắc cho phát ngôn trên mạng xã hội, không thể để mạng xã hội trở thành "vùng vô luật". Ví dụ tại Pháp, một nghị sĩ từng bị xử phạt 3.000 Euro vì cho bạn đăng phát ngôn thù ghét trên trang cá nhân của mình; một số người khác từng bị xử phạt khi có phát ngôn ủng hộ khủng bố hay kỳ thị sắc tộc trên mạng XH. Giải pháp khác, ở quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, đó chính là việc Ủy ban Châu Âu đã đưa ra một Bộ quy tắc ứng xử vào năm 2016, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội đưa ra hàng loạt cam kết chống lại phát ngôn thù hận trên mạng tại châu Âu.

"Rõ ràng là ngoài các quy định pháp lí cụ thể và nghiêm khắc, các biện pháp nhằm vào việc xử lí nhanh chóng thông báo vi phạm, xóa nội dung vi phạm là điều cần thiết”, bà Thiên Hương nhấn mạnh. Song, bà Thiên Hương cũng cho rằng việc cấm phát ngôn thù hận trên mạng không phải là giải pháp “đủ”. Giáo dục chính là một trong những giải pháp bổ sung, và không kém phần quan trọng.

Chia sẻ quan điểm này, giáo sư Mans Svensson thuộc Viện Nghiên cứu Internet, Đại học Lund, Thụy Điển nói, bộ quy tắc ứng xử trên mạng XH nên đưa ra chuẩn mực để nhiều người ủng hộ hơn thay vì sử dụng quá nhiều chế tài xử phạt.

Tuấn Anh