- Bất ngờ khi nghe đại diện Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang trả lời: Chưa nhận được đề xuất của DN vận tải về việc nới rộng thời gian đăng kiểm chạy tàu, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Quản lý nhà nước nói như vậy là vô cảm!

Sáng 5/8, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về DN vận tải biển, cảng biển tổ chức tại 5 điểm cầu Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ.

Đại diện Công ty TNHH MTV Thạnh Thới cho biết, hiện DN đang khai thác chiếc phà dạng “nửa tàu nửa phà” từ đất liền ra Phú Quốc nên dẫn tới cách hiểu khác nhau giữa DN và cơ quan quản lý trong công tác đăng kiểm. 

Bởi, nếu đây là “phà” chỉ phải đăng kiểm 2 năm một lần, trong khi cơ quan quản lý lại cho rằng đó là “tàu” nên bắt đăng kiểm 1 năm một lần, điều này gây khó khăn cho DN.

{keywords}
Vận tải nội địa đang gặp muôn vàn khó khăn.

Do vậy, đại diện DN Thạnh Thới đề nghị Bộ GTVT cho nới rộng thời gian chạy tàu, giảm bớt thủ tục khi thay đổi giờ chạy hoặc tăng chuyến...

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu Cảng vụ hàng hải Kiên Giang trả lời. Tuy nhiên, sau phần trả lời của đại diện cảng vụ cho rằng: “chưa nhận được ý kiến đề xuất của DN...”, Bộ trưởng Thăng thắng thắn phê bình: "Anh nói như vậy là vô cảm! Mình là quản lý nhà nước, thấy bức xúc, thấy tồn tại thì phải kiến nghị sửa đổi tạo điều kiện cho DN phát triển”.

Nói xong ông Thăng yêu cầu cảng vụ Kiên Giang ngay trong tuần này phải giải quyết dứt điểm những vướng mắc mà DN Thạch Thới kiến nghị tháo gỡ.

Liên quan đến quy định đánh giá, cấp Giấy chứng nhận khả năng đi biển, ông Vũ Đức Then - Phó Chủ tịch Hội vận tải biển Diêm Điền (Thái Bình) cho biết tàu của ông hoạt động an toàn trong vùng biển VN nhưng theo Giấy chứng nhận mà Cục Đăng kiểm VN cấp, tàu chỉ phù hợp trong vùng đi biển hạn chế III.

Vì thế mà tàu chạy từ Hải Phòng đến Đà Nẵng không được bảo hiểm (do chạy cách bờ quá 20 hải lý).

"Quy định đánh giá này đã có trên 20 năm rồi, mong các cơ quan sửa đổi để chúng tôi được an tâm hoạt động" - ông Then nói.

Trả lời kiến nghị của ông Then, Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Trần Kỳ Hình cho rằng, Giấy chứng nhận được cấp theo khả năng của tàu, tàu chịu được đến đâu, chạy đến đấy.  Do vậy, tàu được cấp hạn chế III, tức là chỉ được đi đến đấy thôi.

Bộ trưởng Thăng cho rằng, trước đây tàu cũ, công nghệ cũ thì quy định thế. Nhưng nay có tàu mới thì phải phải nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

Đại diện Tổng thư ký Hiệp hội chủ tàu VN Đỗ Xuân Quỳnh cho biết, thị trường cước phí hàng hải đã giảm xuống tới đáy, các chủ tàu thiếu vốn lưu động duy trì sản xuất kinh hoanh khai thác tàu...

Nhất là khi các chủ tàu cần tiền để trả nợ ngân hàng (khi vay mua đóng tàu mới - PV), mua nhiên liệu, trả tiền bảo hiểm, mua sắm phụ tùng thay thế. Do vậy, nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian thì nhiều chủ  tàu sẽ... phá sản.

“Chúng tôi mong muốn được Bộ đề suất Chính phủ có chính sách cho các chủ tàu vay vốn với lãi suất thấp”, ông Quỳnh kiến nghị.

Ngoài ra, ông Quỳnh kiến nghị tạm dừng cấp phép cho tàu nước ngoài vận tải nội địa để làm tăng thị phần cho đội tàu VN, giúp các chủ tàu vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Nhật cho biết, việc cấp Giấy phép đối với các tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài vận chuyển nội địa sẽ được siết chặt. Và thực tế hiện nay tàu trong nước gần như đã đảm nhận tới 100% sản lượng vận tải nội địa (trừ một số tàu chuyên dụng).

Theo Bộ Luật Hàng hải VN đang được sửa đổi, tới đây tàu treo cờ nước ngoài tuyệt đối không được vào vận tải nội địa. Nguyên tắc là vận tải nội địa sẽ là độc quyền cho các doanh nghiệp trong nước.

Vũ Điệp