Ngay từ khi mới chào đời, tuy hầu hết thời gian của bé vẫn là dành cho giấc ngủ, nhưng bé sơ sinh cũng đã có nhu cầu được chơi với bố mẹ, bé thích được cầm nắm chặt vào ngón tay bố mẹ hay lắng nghe tiếng hát ru à ơi, bé cũng thích thú với những món đồ chơi có phát ra những âm thanh dịu nhẹ, leng keng hay các món đồ chơi mềm mại.
Khái niệm vui chơi đối với trẻ rất đơn giản, với bé mọi thứ đồ dùng xung quanh đều có thể biến thành đồ chơi và mọi người xung quanh đều có cơ hội trở thành những người bạn chơi thú vị. Đặc biệt trong giai đoạn từ 1 đến 4 tuổi, bên cạnh chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho bé hàng ngày, các trò chơi và đồ chơi cũng được coi là một yếu tố quan trọng giúp bé phát triển thể chất và trí thông minh của mình.
Ngoài ra, đồ chơi còn là một công cụ khởi đầu tuyệt vời giúp bé phát triển các kĩ năng mềm và khả năng học tập của mình trong tương lai. Cách thức bé tiếp cận, khám phá đồ chơi và chia sẻ nó với bạn bè chính là những bài học đầu đời giúp bé thể hiện khả năng học hỏi và kết nối với cộng đồng xung quanh mình.
Khi chơi đồ chơi cùng bạn bè, trẻ cũng sẽ có cơ hội để thể hiện và học hỏi những kĩ năng xã hội của mình qua những tương tác với bạn bè, đồ chơi trở thành “chất xúc tác” quan trọng giúp trẻ học thêm những kĩ năng giao tiếp, trao đổi thông tin một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Vì thế, việc lựa chọn đồ chơi cho con cũng vô cùng quan trọng, nếu bố mẹ chọn cho bé loại đồ chơi phù hợp với lứa tuổi, sở thích và cá tính của bé sẽ giúp khả năng khám phá và học hỏi của bé sẽ tăng lên gấp nhiều lần.
Giúp trẻ học hỏi tốt hơn
Việc lựa chọn đồ chơi phù hợp với từng giai đoạn phát triển của bé rất quan trọng, nó giúp trẻ được kích thích thể hiện trí tò mò và đam mê khám phá tìm tòi.
Đối với các trẻ nhỏ, đồ chơi có phát ra âm thanh hay có những chi tiết được làm từ nhiều chất liệu, hình khối khác nhau sẽ là một công cụ tuyệt vời để bé tìm hiểu về thế giới xung quanh một cách an toàn và hiệu quả nhất. Ví dụ, khi chơi với con, bố mẹ có thể cùng con lắng nghe âm thanh rồi cùng nhau lặp lại hay nhắm mắt để sờ cảm nhận các hình khối rồi đoán kết quả… từ đó giúp con học cách tưởng tượng và kích thích sự sáng tạo của mình.
Trò chơi thả khối cũng được coi là một loại đồ chơi có thể giúp trẻ thậm chí từ 1 tuổi phát huy khả năng sáng tạo một cách hiệu quả. Những hình khối đủ kích thước, màu sắc và hình dáng sẽ trở thành “bài toán sáng tạo” cho trẻ thỏa sức thể hiện ý tưởng của mình. Bố mẹ không nên “định hướng” bé khi chơi mà nên để bé tự do thể hiện tư duy của mình, sau đó, hãy hỏi bé để cùng giúp bé thể hiện bằng lời nói và ý tưởng của mình… để thông qua trò chơi này, bé không chỉ rèn luyện sự khéo léo của đôi bàn tay, rèn luyện trí thông minh, thể hiện những quan sát mà mình đã nhìn thấy trong cuộc sống mà còn có thể phát huy khả năng ngôn ngữ của mình một cách hiệu quả.
Ngoài ra, việc bố mẹ cùng chơi và tương tác với con trong khi chơi cũng rất có ý nghĩa vì thông qua trò chơi, bố mẹ sẽ hiểu hơn về sở thích và cá tính của con, gợi cảm hứng để con khám phá đồ chơi và trên cơ sở đó lựa chọn được cho con những đồ chơi phù hợp.
(Theo Trí Thức Trẻ)