- Đến tuổi già các cụ không còn minh mẫn và… lại làm trẻ con lần nữa! Từ đây, đã có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười ra đời khiến con cháu mệt mỏi. Đối với nhiều gia đình và toàn xã hội, nếu không có một sự chuẩn bị đầy đủ thì người già dễ trở thành gánh nặng, rào cản đối với sự phát triển chung.
“Làm loạn” ở nhà
Đến xin tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, tâm lý và ứng phó với cha mẹ già khó
tính, dở hơi tại Viện Lão khoa, chị Nguyễn Thị Hòa (46 tuổi, ở Đội Cấn, Ba Đình,
Hà Nội) kể câu chuyện về cha mẹ chồng mình khiến nhiều người ái ngại.
Có buổi sáng trước khi ra khỏi nhà, chị hỏi cả bố và mẹ xem hai cụ có thích ăn
gà hầm thuốc bắc thì chiều về chị sẽ mua. Cụ ông bảo có ăn còn cụ bà bảo không
ăn vì ăn nhiều quá rồi nên chán.
Đến chiều đi làm về, chị Hòa mang về một hộp gà hầm thuốc bắc cho bố chồng, còn
mẹ chồng được chị mua một hộp sữa bổ sung canxi. Thấy "ông có bà không", mẹ
chồng chị hờn mát kiểu mình vô phúc, con cái không quan tâm khiến chị Hòa ngượng
chín mặt.
Nhắc lại chuyện hồi sáng, mẹ chồng nguýt dài nói dỗi: “Tôi có thèm ăn thì cũng phải cố mà nhịn vì sợ tốn tiền của các anh các chị”, làm chị chưng hửng, khó xử.
Nhiều cụ khó tính, cực đoan, suốt ngày chửi con cháu và đập phá khiến con cháu đau đầu (Ảnh minh họa: N.A) |
Chưa hết, gia đình chị cứ đến bữa cơm là mẹ chồng chị mặt nặng mày nhẹ. Hễ mang ra món nào, cụ nếm thử xong cũng đều nhăn mặt lắc đầu kêu mặn quá, nhạt quá, ngọt quá, … khiến chị Hòa muốn phát khùng sau nhiều ngày nhẫn nhịn.
Còn bố chồng chị tuy không kêu ca ăn uống ngay trong
bữa cơm như mẹ chồng nhưng ai đến nhà cụ cũng kêu con dâu vụng (?!)) làm chị
ngượng chín mặt.
Đã nhiều lần chị ấm ức muốn nói với bố mẹ chồng nhưng chồng lại ngăn, bảo thôi
nhịn các cụ cao tuổi rồi, không thể tránh khỏi những suy nghĩ “dở hơi”.
“Trước đây cụ không vậy đâu, nhưng không hiểu sao già rồi cụ lại đâm ra cực
đoan như thế”, chị Hòa chia sẻ.
Hờn dỗi để con cháu thấy mình “quan trọng”
Cụ Thông (năm nay 78 tuổi) ở Tây Hồ, Hà Nội là một ví dụ điển hình. Các con và
các cháu cụ Thông đều giàu có nhưng đi cùng với đó là những ngày vắng mặt triền
miên vì phải đi công tác.
Mang tiếng ở cùng con cái nhưng cụ buồn thối ruột, ngày ngày làm bạn với cái đài
radio và chiếc tivi trong phòng bởi chân cụ yếu, không ra ngoài được. Có những
thời điểm con cái thay nhau đi công tác, rảnh lúc nào chạy qua vội vã thăm bố
trong chốc lát rồi lại cuống quýt chạy đi.
Nhiều lần lặp lại như thế, cụ Thông cảm giác mình như người thừa và cụ tức giận
nghĩ ra đủ trò để các con các cháu không thể “quên” mình một cách dễ dàng như
vậy.
Thế là, cụ "ra chiêu" bỏ bữa không ăn uống, cứ nằm bệt một chỗ rên ư ử, con cháu
hỏi gì cụ cũng không buồn nói khiến cả nhà nháo nhác. Thấy đám con cháu ùn ùn
kéo về, cụ hả dạ lắm. Và cụ lại tiếp tục “diễn” sao cho tình trạng nặng nề thêm.
Đến khi gia đình có ý đưa cụ đi viện thì cụ nhất định không đi, mời bác sỹ về
nhà cụ cũng không đồng ý. Cả nhà ngơ ngác không hiểu lý do vì sao, hỏi han thì
cụ nhất quyết không "tiết lộ".
Đến trung tâm dưỡng lão cũng “làm loạn”
Tra cứu thông tin về các cụ già tại một trung tâm dưỡng lão ở ngoại thành Hà Nội
có thể thấy người già có 1001 chiêu oái oăm khiến con cái và những người xung
quanh dẫu có cố nhịn thì nhiều khi cũng phải phát khùng!
Đó là một cụ ông (là GS người Việt) biết tiếng Pháp, vào Trung tâm lại gặp luôn
một ông cụ quốc tịch Pháp. Có tiếng nói chung, cả hai nhanh chóng trở nên thân
thiết, nhưng chỉ được thời gian đã phát sinh mâu thuẫn.
Cụ người Pháp thường xuyên thức khuya đọc sách và ngủ ít khiến cụ GS người Việt
đâm ra khó chịu! Khi bị “phê bình”, cụ này tắt điện, mang sách vào... toa-lét
đọc. Điều này lại cản trở cụ kia mỗi khi có nhu cầu.
Vậy là mâu thuẫn xảy ra, hai cụ không ai chịu nhường ai. Cụ không đọc sách nghĩ
ra “quái chiêu”: Đi vào nhà vệ sinh nhưng coi như không thấy và hồn nhiên... tè
thẳng lên người cụ đọc sách khiến cả Trung tâm dưỡng lão được phen náo loạn!
|
Ngay tại cộng đồng dành riêng cho mình (là trung tâm dưỡng lão), nhiều cụ vẫn trái tính trái nết, rất khó hòa đồng (Ảnh: N.A) |
Lại có trường hợp có cụ ông vợ đã mất và sống một mình
ở Việt Nam (con cái đều ở nước ngoài). Thấy bố mòn mỏi một mình, các con muốn
tìm cho bố một người phụ nữ để nương tựa nhau lúc về già, nhưng ông cụ không
đồng ý.
Bẵng đi vài năm, ông trở tính đòi cưới cô gái rửa bát thuê cho nhà bán phở ở
trước cửa. Ý muốn này tất nhiên vấp phải sự phản đối kịch liệt của gia đình
nhưng không ai thuyết phục nổi ông.
Và để “đáp lại”, ông phản kháng bằng cách “hành hạ” các con (không ăn, không
uống thuốc, đập phá đồ đạc, …). Đến khi các con không thể chịu đựng thêm, giải
pháp cuối cùng đưa ra là đành chuyển ông vào trại dưỡng lão.
Một trong những câu chuyện “ấn tượng” khác tại trung
tâm này là có hai cụ là đồng đội của nhau, từng đi lính với nhau bao năm, nay rủ
nhau vào an dưỡng vì con cái quá bận rộn Những ngày đầu hai cụ rất háo hức.
Mọi chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu một trong hai cụ mắc chứng ngáy to khi
ngủ khiến cụ còn lại khó chịu. Góp ý nhiều lần không được, có lần nửa đêm cụ này
lấy giấy đút chặt vào mũi cụ ngáy khiến bị ho sặc sụa. Từ đó, cả hai “hục hặc”
với nhau và trung tâm phải tách hai cụ sang hai phòng khác nhau để tránh mâu
thuẫn!
N.Anh