Quan niệm “môn đăng hộ đối” của các cụ ngày xưa, nay ngẫm lại cũng chẳng phải là không có lý, nó bao gồm nhiều ý tứ, trong đó có cả sự tương đồng về tuổi tác của hai bên thông gia.

“Vạ miệng”


Dạo đó, khi thấy Oanh và Long cặp kè với nhau, xem chừng thân thiết hơn tình bạn, bà Lan đã không đồng ý ra mặt. Hai nhà ở cùng trong một làng, cuộc hôn nhân của bố mẹ Long, do một tay bà Lan mối mai dàn xếp, còn chưa kể đến mối quan hệ lằng nhằng họ hàng xa giữa bố Long và bố Oanh, theo vai vế, bố Long phải gọi bố mẹ Oanh là cô chú.

Từng đó lý do khiến bà Lan cảm thấy không hài lòng. Ấy thế rồi, “trời chẳng chịu đất, thì đất phải chịu trời”, cực chẳng đã, bà phải đồng ý cho chúng lấy nhau. Nhưng trong bụng bà vẫn lấy làm ấm ức lắm, bà thầm nghĩ: “Chả gì mình cũng là bề trên của nhà nó, nay lại phải thông gia với cái thằng thấp vai hơn, khó lòng mà coi trọng nhau được như các nhà khác”.

Ngày cưới sắp tới gần, bà Lan tất tả đi mời mọc. Hễ có ai hỏi: “Thế cái Oanh nó lấy ai?” là y như rằng, bà đáp ngay không cần nghĩ: “Nó lấy thằng Long, con nhà thằng T. ở đầu phường ấy mà!” rồi lại giật mình thắc thỏm: “Chết chửa, cứ quen mồm lại gọi thông gia là ‘thằng’!”…

Xem ra cái sự “vạ miệng” ấy chẳng dừng lại ở cách xưng hô, cái vị thế của các bậc sinh thành cũng là yếu tố quyết định ai là người chèo lái trong con thuyền hạnh phúc của cặp đôi con trẻ. Chẳng thế mà nhà bà Lan tỏ ra lấn lướt, yêu sách, và tự cho mình cái quyền điều hành đám cưới sắp diễn ra.

Còn nhà Long, tuy có thấy ngang tai trái mắt vì cái thế chủ động của nhà trai bị đè bẹp, cũng đành ậm ừ, tán thành nhất cử nhất động của nhà gái cho êm đẹp.

Thông gia tránh mặt vì khó xưng hô

Mỗi nhà mỗi cảnh, nhà Tiến - Liên cũng có nỗi khó xử riêng. Tiến vốn là con út trong gia đình 8 con. Còn Liên lại là con cả. Tính ra, bố mẹ Liên chỉ bằng tuổi anh chị cả của Tiến. Chẳng thế mà, bố mẹ Liên ngồi với ông bà thông gia, cứ phải một điều “cụ” hai điều “ạ”, và xưng “bố mẹ cháu bên này”.

Ảnh minh họa.
Cái Tết đầu tiên của hai vợ chồng Tiến - Liên thật khiến họ dở khóc dở cười vì khó xử. Chả là hai vợ chồng sống riêng ngay từ đầu, nên Tết đến họ đều đón bố mẹ hai bên đến dùng bữa cơm thân mật. Đang dùng dở bữa, thì đám bạn đồng nghiệp của Tiến đến chơi. Chưa kịp phản ứng thì đám bạn đã nhanh nhảu: “Con chào hai cụ ạ” rồi quay sang bố mẹ Liên: “Con chào ông bà”, và thản nhiên buông lời nhận xét: “Ui hôm nay tam đại đồng đường nhà mình xum họp đấy ạ”.

Hai bên thông gia đều đỏ mặt, gượng cười không nói gì. Hai vợ chồng Tiến- Liên thì rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, đến giờ họ vẫn còn đỏ mặt mỗi khi nhớ lại.

Thế nên, hai vợ chồng lấy nhau tính đến nay đã ngót nghét 10 năm, nhưng số lần hai bên thông gia gặp nhau chỉ đếm được trên đầu ngón tay, vì họ chỉ miễn cưỡng gặp nhau khi có việc hệ trọng không thể vắng mặt.

Sự khác biệt về lối sống, tư tưởng

Khoảng cách tuổi tác khiến cho các bậc sinh thành của vợ và chồng nhiều khi “bằng mặt không bằng lòng” vì cách sống và cách nghĩ cũng có phần cộc lệch với nhau.

Chiến sinh ra trong một gia đình khá giả, bố mẹ Chiến mới ngoài ngũ tuần, đều là cán bộ nghỉ hưu, nhưng tính tình lại trẻ trung, tân tiến. Bố mẹ Hòa đều là công nhân, về mất sức đã lâu, cuộc sống có phần kham khổ hơn nhà Chiến.

Hai nhà ở gần nhau, nên mỗi sáng mẹ Hòa đi chợ đều gặp ông bà thông gia tay trong tay đi tập thể dục. Bà ngượng chín cả mặt tựa như chính mình đang khoác trên người cái quần thể thao ngắn cũn cỡn, làm hở bắp đùi trắng “phớ” chứ không phải là bà thông gia hơn hớn kia.

Còn ông thông gia thì “đánh” cái quần soóc trắng tinh, trông như đứa thanh niên mới lớn, chẳng chút ngại ngần còn tươi cười chào hỏi. Bà cũng đon đả đáp lại, nhưng vừa lướt qua mặt họ là ngay lập tức bà nhếch mép cười, lòng thầm chê trách: “Gớm, đã lên chức ông bà cả rồi mà còn bày đặt cưa sừng làm nghé. Hay hớm gì cái chuyện bắt chước lũ thanh niên tộc ngộc. Thật chả vừa mắt tí nào, chỉ tổ cho thiên hạ người ta cười”.

Ngày Hòa sinh đứa con đầu lòng, mẹ Hòa biết tính bà thông gia tiết kiệm, nên bà một mặt lo lắng con gái mình ở cữ không được chăm chu đáo nên ngày ngày cứ lựa lúc bà thông gia đi chợ là bà chạy sang tiếp tế cho con gái lúc thì hoa quả, lúc lại bát cháo,…

Sau vài lần trót lọt thì một hôm khi Hòa vừa bưng bát cháo, vừa cười nói hỉ hả: “Ngon quá mẹ ạ, mẹ nấu là nhất” thì mẹ Chiến đột ngột về nhà. Nhìn mặt mẹ chồng Hòa lạnh tanh tỏ vẻ không hài lòng, hai mẹ con Hòa ngại ngùng như “ăn vụng bị bắt quả tang”. Sau hôm đó, mẹ Hòa không dám dấm dúi cho con gái nữa. Còn mẹ Chiến thì lấy làm bực bội lắm vì cho rằng nhà ngoại lấn lướt qua mặt và coi thường nhà nội.

Bà mát mẻ với Hòa: “Con dâu thích ăn gì thì cứ bảo, mẹ sẽ mua hết, không phải phiền đến bà thông gia làm gì. Bố mẹ dù có ăn đói mặc rách đến mấy cũng chẳng thiếu đến mức không mua được đồng quà tấm bánh chăm con dâu ở cữ đâu”. Còn Hòa thì chỉ còn biết cắm mặt xuống đất, tìm cho mình một kẽ nứt để chui vào.

Dù thế nào, sự chênh lệch tuổi tác cũng khiến hai bên thông gia có khá nhiều sự cách biệt. Tình thông gia là kiểu tình cảm vừa gần gũi lại vừa khách sáo. Chỉ cần thiếu đi một chút tâm lý, một chút cảm thông, một chút giữ kẽ,… thì xem ra sự cộc lệch tuổi tác đã thành một trở ngại lớn khiến họ xích lại gần nhau, thậm chí còn gây ra hậu quả tiêu cực cho cuộc hôn nhân của con cái họ.

(Theo Afamily)