- Ngày 6/9, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Sở GTVT và Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) kéo dài thời gian thử nghiệm đếm xe (chưa thu phí) tại vị trí đầu cầu Bình Triệu 1 đến hết ngày 15/9/2012.

Còn lo ngại ùn tắc ?


Yêu cầu mà Sở GTVT TP.HCM đưa ra mới đây đồng nghĩa với việc quá trình thu phí thử nghiệm lần thứ nhất của CII diễn ra từ ngày 28/07- 28/08/2012 là chưa đủ chính xác hoàn toàn để có thể cho phép tiến hành thu phí.

Ùn tắc trong ngày đầu thu phí thử nghiệm ở cầu Bình Triệu 1.
Trao đổi với PV VietNamNet, ông Bùi Xuân Cường- Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM nói: “Việc yêu cầu gia hạn thời gian thu phí thử nghiệm này là để thống kê mật độ phương tiện lưu thông gia tăng trên tuyến đường cầu Bình Triệu 1 (quận Thủ Đức)”.

Trả lời câu hỏi của VietNamNet “Nếu trong quá trình thu phí thử nghiệm gia hạn này xảy ra ùn tắc, Sở có kiến nghị thành phố buộc chủ đầu tư CII dỡ bỏ trạm thu phí hay không?”, ông Cường nói: “Việc này đã được UBND thành phố chỉ đạo ngay từ đầu, phía Sở GTVT sẽ chấp hành, thực hiện”.

Như vậy, sau ngày 15/09, Sở GTVT có trách nhiệm kiểm tra, báo cáo UBND TP về tình hình và kết quả lưu lượng giao thông trên tuyến. Từ đó làm căn cứ để thành phố xem xét có nên thông qua tiến hành thu phí chính thức hay không.

Một chuyên gia giao thông nhận định, việc đánh giá cẩn trọng về mật độ phương tiện lưu thông qua cầu Bình Triệu 1 là việc làm cần thiết vì mối lo ngại ùn tắc ở khu vực này chưa hết. Đơn cử như trong lần thu phí thử nghiệm trước, đã xảy ra 2 vụ ùn tắc trên Quốc lộ 13 đoạn vừa qua trạm thu phí.

Vào thời điểm trên, tàu lửa lưu thông trên đường sắt cắt ngang quốc lộ 13 khiến hàng ngàn phương tiện lưu thông từ phía nội thành ra Thủ Đức, Bình Dương bị dồn ứ. Có nhiều người chôn chân vì ùn tắc trong không khí nóng nực đến nỗi ngáp ngủ trên xe máy như VietNamNet từng ghi nhận.

Hành trình gian nan…

Trả lời VietNamNet về việc “Trước khi thu phí thử nghiệm, CII có dự báo được việc lưu lượng giao thông trên tuyến gia tăng trong đầu tháng 9 không?”, ông Dương Quang Châu, Giám đốc CII cho biết: “Chúng tôi chỉ biết thực hiện theo yêu cầu của Sở GTVT thôi, việc đặt trạm thu phí trong suốt thời gian qua là không gây kẹt xe và chúng tôi chắc chắn trạm thu phí không phải nguyên nhân lo ngại”.
 
TP.HCM đã chủ trương sẽ yêu cầu dỡ bỏ trạm thu phí cầu Bình Triệu 1 nếu trạm này gây ùn tắc giao thông.
 

Theo các văn bản liên quan của dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2, từ tháng 8/2011, CII đã kiến nghị đặt thêm một trạm thu phí dưới chân cầu Bình Triệu 1 phía quận Thủ Đức, song song với trạm hiện hữu dưới chân cầu Bình Triệu 2 nhằm thu phí hoàn vốn cho dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2.

Vào thời điểm trước đó, xét theo quy hoạch, trạm thu phí đáng lẽ phải được đặt trên quốc lộ 13 đoạn giữa cầu Đúc Nhỏ và cầu Ông Dầu (thuộc phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức). Tuy nhiên, do quận Thủ Đức chưa bàn giao được mặt bằng nên CII đã đề xuất đặt trạm ngay dưới chân cầu Bình Triệu 1.

Tuy nhiên, Hiệp hội vận tải TP.HCM cũng lo ngại, việc đặt thêm một trạm ở cầu Bình Triệu 1 sẽ tạo ra một lịch trình dày đặc trạm thu phí vì từ Bến xe Miền Đông đi Bình Dương chưa đến 30 km nhưng có đến 3 trạm thu phí gồm: Bình Triệu 1 (TP.HCM), Vĩnh Phú và Suối Giữa (tỉnh Bình Dương).

Ngoài ra, việc đặt trạm thu phí còn có thể đẩy cao nguy cơ ùn tắc vì một phía là khu vực ngã tư Bình Triệu- “điểm nóng” về kẹt xe ở cửa ngõ phía đông thành phố do cắt ngang với tuyến đường sắt Bắc - Nam. Phía ngược lại là Bến xe Miền Đông với lượng xe khổng lồ của hơn 200 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên đây chỉ là vấn đề gian nan khi phía CII xin thu phí, chưa kể đến việc lý do nào khiến đơn vị này có mặt trong một dự án có điểm bắt đầu từ năm…2000 và không phải chủ đầu tư “đời đầu”.

Trước đó, Dự án BOT cầu đường Bình Triệu 2 được giao cho Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) đầu tư theo hình thức BOT. Đến năm 2004, do trục trặc về vốn khi khối lượng công việc thay đổi, Cienco 5 đã xin rút lui khỏi dự án và UBND TP.HCM giao cho phía CII.

Chủ đầu tư thứ 2 này sau khi “tiếp quản” dự án và sau vài năm thẩm định, tổng mức đầu tư dự án được “đội lên” hơn 7000 tỷ đồng. Mãi đến năm 2011, sau khi có chủ trương cho phép, CII mới chính thức khởi động lại dự án và hiện tại BOT cầu đường Bình Triệu 2 vẫn còn là bức tranh thiếu quá nhiều mảnh ghép.

Quốc Quang