Một loại gỗ được cho là đặc biệt hiếm, có khả năng đổi màu theo nhiệt độ và ánh sáng hiện đang được người dân ở huyện Krông Năng (Đắk Lắk) săn tìm triệt để.

Từ nhiều tháng nay, người dân 2 xã Ea Tam và Cư Klông (huyện Krông Năng) đang đổ xô đi truy lùng cây gỗ đổi màu (theo cách gọi của dân địa phương).

Theo tìm hiểu, loại gỗ này có khả năng đổi màu theo ánh sáng và nhiệt độ. Ban đầu gỗ có màu trắng xám nhạt, nhưng để lâu sẽ chuyển dần sang màu xanh bích đậm với vẻ ngoài bóng đẹp như đá, như sừng, nhưng vẫn nổi rõ đường vân với hoa văn đẹp như thủy tùng.


Những sản phẩm sau khi chế tác từ cây gỗ lạ bỗng nhiên đổi sang màu ngọc bích đậm (Ảnh: Pháp luật TP.HCM)

Theo thông tin trên báo Pháp luật TP.HCM, khi được đưa về, loại gỗ này chủ yếu được chế tác thành các đồ mỹ nghệ để trang trí như lục bình, tượng Di Lặc… Giá một bức tượng Di Lặc cao chừng 60cm, đường kính 40cm có giá lên tới 4 triệu đồng.

VOV cũng tiết lộ nguồn tin cho biết, hiện loại gỗ quý này đã không còn trong khu vực, một số xưởng sản xuất, kinh doanh đồ mỹ nghệ ở Krông Năng đã phải sản xuất nguyên liệu từ gốc và rễ của loại cây này.

Dù có nhiều đặc tính lạ và đã bị săn lùng nhiều tháng qua, song điều lạ là cơ quan chức năng địa phương vẫn không thể xác định tên khoa học chính xác của loại cây này là gì và hình dáng của nó ra sao.

Trên VOV, đích thân Giám đốc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (huyện Ea Kar), ông Lê Đắc Ý cũng cho biết không biết đến loại cây này. Sau khi tìm hiểu, ông Ý cho biết loại cây lạ này hầu như chỉ phân bố tại một tiểu khu giáp với huyện Krông Năng, cách trạm kiểm lâm gần đó 4 tiếng đồng hồ luồn rừng.

Ông Ý cho rằng chỉ với đặc tính đổi màu và chỉ phân bố trên phạm vi hẹp thì dù chưa thể khẳng định là gỗ quý cũng có thể thấy đây là loại gỗ hiếm.

Trong khi tại khu vực, cây đổi màu đã bị cạn kiệt thì mới đây Khu bảo tồn Ea Sô mới gửi mẫu đến ĐH Tây Nguyên để xác định tên, loài, giá trị… và phối hợp với Hạt kiểm lâm huyện Krông Năng và BQL rừng phòng hộ Krông Năng tìm cách bảo vệ.

Được biết trong 2 tháng qua, lực liểm Kiểm lâm huyện Krông Năng cũng đã liên tục bắt giữ được các vụ khai thác, vận chuyển gỗ đổi màu với tổng khối lượng hơn 3m3.


Thủy tùng - cây gỗ quý hiếm thuộc nhóm 1A cũng từng bị người dân săn lùng rốt ráo đến cạn kiệt (Ảnh: Báo Đắk Lắk)

Tại Đắk Lắk những năm qua cũng từng dấy lên phong trào săn tìm thủy tùng (còn gọi là thông nước) khiến loài cây này rơi vào tình trạng cạn kiệt. Theo thống kê, hiện Việt Nam chỉ còn lại vài cá thể được phân bố rải rác trên địa bàn hẻo lánh thuộc huyện Krông Năng và huyện EaH’leo.

Nguyên nhân của cơn sốt thủy tùng bắt nguồn từ tin đồn loại gỗ này nhiều công dụng đặc biệt như chữa bệnh, xưa đuổi côn trùng như kiến, muỗi… Đỉnh điểm của cơn sốt, giá bán mỗi m3 thủy tùng lên đến cả hàng trăm triệu đồng.

Đ.Tâm - Quốc Trung (tổng hợp)