- Những ngày này, đồng bào dân tộc các xã trên A Roàng, A Đớt, Hương Lâm… đổ xô vào những khu rừng xanh để “săn” lộc rừng.
“Cơn lốc” mang tên hạt ươi rừng. Loài cây 4 năm mới có một chu kỳ ra hoa kết hạt. Mùa này, rừng ươi hào phóng cho quả sai.
Giá mua tại chỗ 120 – 150 ngàn đồng/kg khiến hàng trăm người đổ xô vào rừng. Có những gia đình một ngày đi “săn” kiếm vài triệu. Số tiền mà nằm mơ họ chẳng cũng chẳng thấy, khiến cho hạt ươi trở thành một “cơn lốc” thật sự giữa đại ngàn Trường Sơn, huyện miền núi A Lưới (TT-Huế).
Cây…“ích kỷ”
Giữa miền sơn cước, già làng người Tà Ôi thết đãi khách bằng việc tự tay chế biến một món giải khát thuộc hàng “độc” mà theo già nếu bỏ lỡ thì phải đợi đến 4 năm sau mới được thưởng thức.
Rót đầy nước vào hai chiếc cốc, già lui xuống gian nhà dưới bốc lên một nắm hạt, bỏ vào mỗi cốc ba hạt. Xong đâu vào đấy, già ngồi rít thuốc, uống nước. Ánh mắt già bí hiểm, chợt sáng rực khiêu khích trí tưởng tượng, tò mò của khách.
Phải gần 10 phút sau, 3 hạt
nhỏ đã nở phồng đầy chiếc cốc. Già lấy túi đường bỏ vào khuấy đều và bảo: Cán bộ
lên công tác, nhà của già không có gì, chỉ có cái món giải khát của đồng bào
nhặt được trong rừng. Hạt ươi, cán bộ thấy lần nào chưa. Ăn đi, mát lắm!
Hạt ươi đang tạo nên “cơn lốc” giữa đại ngàn
Trường Sơn. Mỗi kg hạt ươi có giá từ 120 đến 150 ngàn đồng. Ảnh: Đ.K
Già nói rằng cây ươi nó là cây “ích kỷ”, bốn năm mới có một chu kỳ ra hoa kết hạt. Vừa dứt câu, đọc được sự tò mò trong đầu của khách, già nói ngay: “Cán bộ muốn đi xem nhặt ươi thì cứ chạy đến hầm A Roàng số 2, thấy hàng trăm cái xe máy dựng bên đường thì dừng lại. Đi sâu vào trong rừng sẽ gặp bà con tìm ươi thôi…”.
Chúng tôi mò mẫm tìm đường vào rừng xanh xem đồng bào “săn” lộc rừng cho.
Mấy hôm nay, khi gà trống lớn gáy vang trên bản, con mây còn quấn mình trên đỉnh núi, con vắt chưa kịp trở mình đường Hồ Chí Minh (đi qua xã A Roàng) vui như hội. Đồng bào thức dậy người nổi lửa thổi cơm, người chuẩn bị bao tải, gùi, dao rựa…lên rừng tìm hạt ươi kịp khi trời sáng.
Chàng trai núi Hồ Văn Triêu kể, những năm trước, đồng bào mình còn khó lắm. Giờ nhờ rừng, nhờ thanh niên đi làm ăn xa, nhà nào cũng có xe. Có con xe chạy vào rừng cũng nhanh, cũng sướng. Nhưng để đến được rừng ươi, cũng phải mất gần 1 giờ đi xe máy, 3 giờ cuốc bộ trong rừng.
Còn anh Som, thôn A Ka 2, xã A Roàng kể, việc tìm thấy cây ươi giữa rừng sâu không hề đơn giản và để biết được ươi đang độ chín khó không kém phần. Cây ươi rừng cao 30- 40 mét, cái thân nó thẳng đuột. Cành, hạt cao tít trên đọt cây, những chàng trai núi sức vóc hơn người không trèo tới.
Trúng lộc rừng cho
Phát hiện cây ươi đang độ chín quả, người đi “săn” phải lần theo lá ươi trong gió để lần tìm hạt. Anh Som tiết lộ bí kíp tìm ươi: “Chỉ chờ khi trái ươi chín, trời đổ gió cho nó rụng xuống mới nhặt được. Giữa rừng sâu, người đi tìm hạt ươi phải theo vệt lá, theo tiếng chim rừng mổ tìm hạt, lần theo con gió thổi mới tìm thấy”.
Mùa này, cây ươi rừng hào phóng cho quả sai khiến đồng bào dân tộc các xã A Roàng, A Đớt, Hương Lâm…đổ xô vào rừng tìm kiếm. “Cơn lốc” hạt ươi nóng đến mức ở đâu cũng nghe đồng bào kể với giọng thật vui.
Sau chuyến đi rừng tìm lộc, một người “săn” ươi có thu nhập từ vài trăm đến tiền triệu. |
Anh Hồ Văn Triêu khoe: “A Lưới bữa nay chỉ có hạt ươi là vui, là thích. Mà không có chi đáng nói ngoài hạt ươi, chỉ có hạt ươi thôi”. Mỗi ngày, tại các khu rừng xanh của xã A Roàng có đến vài trăm người lặn lội vào rừng tìm kiếm hạt ươi".
Anh Triêu nói thêm: “Đồng bào mình đi đông lắm. Mỗi ngày có vài trăm người trong rừng từ sáng sớm đến tối. Cứ vào rừng là gặp người tìm ươi thôi”.
Nhiều gia đình có đến 3 thế hệ cùng vào rừng “săn” hạt ươi. Trung bình, sau mỗi chuyến vào rừng, cả gia đình kiếm được hàng chục ký hạt ươi. Nếu may mắn tìm được những cây ươi 20-30 năm tuổi đang rụng hạt, người đi “săn” có thể thu được 50kg hạt ươi khô.
Với giá mỗi kg hạt ươi thu mua tại chỗ từ 120 – 150 ngàn đồng và có bao nhiêu tư thương mua hết bấy nhiêu, người “săn” hạt ươi rừng đã có thể kiếm được từ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi ngày. Số tiền mà có nằm mơ họ cũng không thể thấy.
"Sáng đi, chiều về có trong tay tiền trăm, tiền triệu, cái bụng đồng bào mình nó sướng lắm”, anh Triêu nói thêm.
Hạt ươi được tập kết trên đường Hồ Chí Minh chờ tư thương gom hàng. Ảnh: Đ.K |
Khi mùa ươi mới bắt đầu chín rụng, đồng bào ở xã A Roàng nhanh chân thu lượm những cây nằm sát mép rừng. Nhiều người đã kiếm được số tiền lớn từ lộc rừng. Họ đội đèn pin lên núi nhặt ươi suốt ngày đêm.
“Người A Roàng làm trước, nhặt được hàng tạ hạt ươi. Nhiều nhà ở A Roàng bán được tiền chục triệu là bình thường”, anh Triêu nói.
Việc đổ xô vào rừng như lý giải của người dân là do thất nghiệp khi mùa lúa đã gieo, mùa sắn đã trồng. Và khi cây ươi càng “trốn sâu” vào trong rừng thẳm, những cuộc “săn” càng trở nên khó gấp bội.
Người tìm hạt ươi rừng tiếp tục khoét đường, trèo con dốc đứng, qua khe suối đá gập ghềnh. Những chuyến đi rừng tìm lộc giữa đại ngàn Trường Sơn vẫn nóng bởi số tiền từ lộc rừng cho vẫn còn hấp dẫn…
Hạt ươi ở VN thường được gọi bằng các tên: cây Lười ươi, Đười ươi, cây thạch, cây ươi. Đông y gọi là An Nam Tử. Hạt ươi còn có tên khoa học là Sterclia lyhnophora Hance hoặc Sahium lychnporum (Hance) Kost (thuộc họ Sterculiacae). Theo đông y thì hạt ươi đi vào kinh phế, tác dụng chính là thanh nhiệt, giải độc, thông tiện, thường dùng chữa ho khan, cổ họng sưng đau, nôn ra máu, đi cầu ra máu, chảy máu cam, viêm đường tiết niệu, nhức răng, đau mắt đỏ, mụn nhọt. Dân gian hay dùng để làm mát và nhuận cơ thể, mỗi lần ngâm chừng dưới mười trái trong nửa lít nước là đủ. Có thể uống nhiều lần trong ngày, dùng thường xuyên không độc, làm thức uống giải khát để trừ các bệnh nhiệt trong mùa hè… |
Đăng Khoa
(còn nữa)