Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 3-4%/năm
Theo UBND huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác đã được các cấp, các ngành địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện, đạt được kết quả tích cực. Đặc biệt, từ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thông qua các chương trình đã làm nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số phấn khởi, có chuyển biến tích cực trong việc học hỏi, phát triển bản thân để vươn lên khá giả.
Cụ thể, về chương trình xây dựng nông thôn mới, tính đến hết năm 2022, toàn huyện đạt 144/228 tiêu chí, đạt 63,16%, bình quân đạt 12 tiêu chí/xã. Cụ thể: 02/12 xã đạt 19 tiêu chí và được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Đối với việc thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 đã được huyện M’Drắk quan tâm thực hiện, cụ thể hoá bằng những Nghị quyết HĐND huyện, kế hoạch của UBND huyện. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm 6,67% (kế hoạch giảm 3-3,5%); 100% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 94% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh…
Đối với việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, sau thời gian triển khai, chương trình đã góp phần thay đổi cơ bản các thôn, buôn đặc biệt khó khăn của huyện M’Drắk. Đời sống hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân 3-4%/năm, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 6,45%.
Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu mới, mức độ đạt chuẩn cao hơn
Hôm 12/6, tổ công tác của Đoàn giám sát Quốc hội do đồng chí Phạm Phú Bình – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, Uỷ viên đoàn giám sát làm tổ trưởng đã làm việc tại huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Tại buổi làm việc, thành viên tổ công tác, lãnh đạo địa phương và một số phòng, ban của huyện M’Drắk đã thảo luận, bàn biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án, tiểu dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia như: Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
So với giai đoạn 2016-2020, bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025 có nhiều chỉ tiêu mới, mức độ đạt chuẩn cao hơn; Các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình chưa kịp thời nên việc triển khai thực hiện các mô hình còn chậm, khó khăn trong việc thực hiện, đánh giá, công nhận tiêu chí. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình được phân bổ còn chậm; việc thiếu cán bộ chuyên trách ảnh hưởng đến việc thực hiện triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia, nhất là ở cơ sở; bất cập trong việc một số chính sách vướng mắc các quy định, chưa phù hợp thực tiễn nên khó triển khai chương trình hiệu quả...
Thay mặt tổ công tác, đồng chí Phạm Phú Bình – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội đã đánh giá cao nỗ lực của huyện M’Drắk trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Đồng thời, đồng chí ghi nhận những kiến nghị, khó khăn của địa phương để tổng hợp, kiến nghị Trung ương điều chỉnh kịp thời. Đồng chí Phạm Phú Bình – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cũng đề nghị, địa phương cần phân tích, làm rõ thêm các nguyên nhân khó khăn, đề xuất giải pháp để thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.