Từ năm 2023, triển khai Tháng thanh niên với chủ đề “Tuổi trẻ Hà Nam tiên phong chuyển đổi số”, Chi đoàn Sở Tư pháp đã tích cực thực hiện các hoạt động gắn với nhiệm vụ chuyên môn.
Cụ thể, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, Chi đoàn Sở Tư pháp đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan triển khai thành công quy trình liên thông 2 nhóm dịch vụ công thiết yếu về khai sinh, khai tử.
Thực hiện triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp như: Rà soát chứng thư số lãnh đạo địa phương, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, UBND cấp huyện để cấp chứng thư số cho 100% lãnh đạo UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; thực hiện cấp 447 tài khoản người dùng và phân quyền cho đội ngũ cán bộ trực tiếp thực hiện 2 nhóm dịch vụ công liên thông; trực tiếp thực hiện cài đặt và hướng dẫn thao tác theo hướng “cầm tay chỉ việc” quy trình liên thông đối với đội ngũ lãnh đạo cấp xã, cán bộ hộ tịch và cán bộ văn phòng.
Thường xuyên kiểm tra máy tính và đường truyền internet bảo đảm thông suốt để phục vụ triển khai nhiệm vụ trên. Đồng thời, hướng dẫn giải đáp, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy trình thực hiện liên thông trên thực tế, biên soạn tài liệu hướng dẫn cài đặt chi tiết việc thực hiện liên thông...
Những nỗ lực của Chi đoàn Sở Tư pháp là một trong những yếu tố quan trọng góp phần để việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trên đạt được kết quả cao trên địa bàn, như: Tổng số hồ sơ tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính liên thông đối với nhóm thủ tục Đăng ký khai sinh là 11.330/11.335 hồ sơ đăng ký mới (đạt gần 100%); nhóm thủ tục Đăng ký khai tử là 4.599/5.218 hồ sơ (đạt 88%); 100% kết quả được cấp bản điện tử Giấy khai sinh, Trích lục khai tử. Với những kết quả này, Hà Nam được đánh giá là tỉnh đứng đầu cả nước trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trên tới 100% các xã, phường, thị trấn.
Bên cạnh đó, Chi đoàn Sở Tư pháp cũng thành công trong việc triển khai dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính theo Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; bảo đảm 100% các Phòng Tư pháp và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính khi có yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã thực hiện chứng thực điện tử với hơn 53.000 hồ sơ yêu cầu.
Nói về vai trò tiên phong trong công tác chuyển đổi số, đoàn viên Phan Thị Phương cho biết: Đối với mỗi đồng chí đoàn viên trực tiếp thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính đều xác định được trách nhiệm của mình trong việc bảo đảm quyền, lợi ích của người dân và doanh nghiệp. Như bản thân tôi cùng với các đồng chí đoàn viên ở Phòng Hành chính bổ trợ tư pháp, là những người trực tiếp liên quan tới người dân và doanh nghiệp, chúng tôi đã chủ động tìm hiểu sâu các quy định của pháp luật chuyên ngành để tránh việc bỏ sót các quy định ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Để thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về cải cách hành chính trong việc tiếp nhận hồ sơ, thời gian giải quyết và thái độ phục vụ đối với người dân và doanh nghiệp, bảo đảm thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định, đồng chí Nhiếp Thị Hải, Bí thư Chi đoàn Sở Tư pháp cho biết: Đối với những người làm tư pháp nếu không vững chuyên môn, không có những trăn trở, không nắm được những vấn đề thực tiễn xã hội thì khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chính vì thế, trong những buổi sinh hoạt chi đoàn, chúng tôi đã dành thời gian để các đoàn viên chia sẻ những vấn đề còn vướng mắc, bất cập hoặc còn nhiều cách hiểu khác nhau để cùng nhau trao đổi, thảo luận và tham mưu với lãnh đạo các hướng giải quyết hợp tình, hợp lý, vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước vừa bảo đảm không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích chính đáng của người dân.
Khuyến khích các đoàn viên bên cạnh việc nâng cao trình độ chuyên môn trong các mảng, lĩnh vực được phân công chủ động tiếp cận và tìm hiểu đối với các mảng lĩnh vực khác. Như không được phân công nghiên cứu các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng vẫn tiếp cận các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để nghiên cứu và đưa ra những đóng góp của mình. Hay như một đồng chí báo cáo viên nếu chỉ nghiên cứu nội dung mà mình thực hiện tuyên truyền sẽ khó có thể giải đáp được những vướng mắc, bất cập thuộc những vấn đề nóng, vấn đề liên quan đến đời sống hằng ngày của người dân ngoài nội dung mình giới thiệu.
Về phía chi đoàn, ban chấp hành chi đoàn cũng đã đề ra nhiều giải pháp khác nhau và chủ động trong tham mưu với đảng ủy, ban giám đốc sở trong việc tổ chức các hình thức đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ để các đồng chí đoàn viên trong chi đoàn vừa thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và tiên phong trong công tác chuyển đổi số của ngành.
Theo Chu Bình (Báo Hà Nam)