Có lẽ đây là chuyện hiếm gặp khi 1 kho hàng khoảng 5 tỉ đồng được 7-8 ngân hàng cùng cắt cử bảo vệ trông giữ nhất cử, nhất động của việc xuất nhập hàng hoá. 

Ngân hàng nào cũng sợ khối tài sản đã thế chấp cho mình sẽ bị ngân hàng khác “nẫng tay trên”. Vì thế, ngày càng có nhiều ngân hàng phập phồng, lo ngại khối nợ xấu gia tăng khi doanh nghiệp “chết lâm sàng”...

Từ chuyện khôi hài lộ nhiều... bi kịch

Những ngày này, trước cửa kho hàng của công ty Âu- Mỹ (KCN Quất Động- Thường Tín- Hà Nội) có nhiều bảo vệ mắc võng, trải áo mưa nằm dưới gốc cây dáng vẻ mệt mỏi chỉ để quản lý từ xa một lượng hàng hoá đang nằm bất động ở trong kho. Cổng kho hàng của công ty Âu Mỹ được vây kín bởi các loại xe, thỉnh thoảng các nhân viên ngân hàng lại "gõ cửa" để bảo vệ cho vào trong quan sát.  Nhiệm vụ của bảo vệ chỉ là giữ hàng hoá đã thế chấp cho ngân hàng để vay vốn không thất thoát.

Thượng tá Đặng Hữu Tín - Trưởng công an huyện Thường Tín, cho biết cũng đã nghe báo cáo về việc có một số ngân hàng tới trụ sở Công ty Âu- Mỹ để liên hệ làm việc và vận chuyển hàng hóa. Những việc này là thỏa thuận của đôi bên và diễn ra rất trật tự, không xảy ra mất an ninh. Tuy nhiên, với trách nhiệm của lực lượng công an, cán bộ chiến sĩ phụ trách địa bàn vẫn phải theo dõi mọi diễn biến, tình hình.

{keywords}
Nhiều ngân hàng thuê người bao vây trước kho hàng của doanh nghiệp.

Một điều khiến không ít chuyên gia bất ngờ là lượng hàng hoá của công ty trị giá không nhiều nhưng đã được thế chấp để vay vốn từ nhiều ngân hàng khác nhau. Sự việc đến nay vẫn chưa có thông tin chính thức từ công ty Âu- Mỹ hoặc các ngân hàng liên quan. Tuy nhiên trong thời điểm kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp không có khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng khi đã đến thời điểm đáo nợ khiến mối quan hệ hợp tác của họ bị đổ vỡ. Bên cạnh đó, qua chuyện kho hàng của công ty Âu-Mỹ bị nhiều ngân hàng canh giữ một lần nữa cho thấy sự lỏng lẻo trong khâu thẩm định, giám sát tài sản thế chấp bằng hàng hoá để vay vốn ngân hàng.

Kinh doanh khó khăn, nhiều vị trí tại các ngân hàng bị cắt giảm, thế mà một vị trí mà đang được các ngân hàng trả lương hậu hĩnh đó là các bảo vệ đảm nhiệm canh giữ hàng hoá đã sử dụng làm tài sản thế chấp. Thực tế, khi chúng tôi có mặt tại kho hàng này ghi nhận nhiều thương hiệu bảo vệ khác nhau cùng xuất hiện canh giữ hàng hoá. Khi chúng tôi bắt chuyện một nhân viên bảo vệ và hỏi là người của ngân hàng nào đều nhận được cái lắc đầu và trả lời chung chung: “Chúng tôi nhận lương theo ngày, chỉ canh giữ không cho người ta mang hàng đi thôi. Còn ai thuê chúng tôi đứng đây không quan trọng, đó là việc của các sếp”.

Một bảo vệ cho biết: “Nhiệm vụ của chúng tôi là canh hàng hoá, không cho doanh nghiệp tẩu tán tài sản nên phải lập hàng rào canh giữ. Đây là biện pháp “cực chẳng đã” mới phải sử dụng thôi vì ngân hàng của mình cho vay vốn mà không thu được tiền thì buộc lòng phải làm như thế, dù hình ảnh không được đẹp”. Qua một số người tham gia canh giữ hàng hoá, ước định kho hàng chỉ có một số máy móc và khối tài sản trị giá khoảng 5 tỉ đồng. Tuy nhiên có tới 7-8 ngân hàng đang cùng canh giữ và không biết số tiền doanh nghiệp này vay của các ngân hàng là bao nhiêu.

Ngân hàng “ôm cục máu đông” vì dễ dãi

Có lẽ hiện tượng này còn khá lạ và gây xôn xao tại Hà Nội, nhưng nó đã từng xuất hiện ở phía nam, thời điểm xuất khẩu thuỷ sản khó khăn. Một chuyên gia kinh tế cho biết đã từng chứng kiến câu chuyện 3 ngân hàng cùng cho công ty An Khang ở khu công nghiệp Trà Nóc -Cần Thơ vay một lượng tiền lớn. Khi công ty An Khang đổ bể, cả ba ngân hàng cho vay cùng tranh nhau một kho hàng rỗng của DN này. Đơn giản, khi vay vốn ngân hàng nào cũng tin là DN thế chấp số hàng đầy ắp trong kho. “Bây giờ lại nhìn hình ảnh cả loạt xe các ngân hàng vào vây cổng kho của công ty Âu–Mỹ cũng lại vấp trò ảo thuật của doanh nghiệp, thi nhau rót vốn nên giờ đang  phải cùng gánh lụy. Đây là hậu quả của việc “vượt rào” cho vay, hoặc cố tình lách luật, nể nang, dễ dãi, cứ cho vay để được “lại quả” cho nên giờ ngân hàng mới gặp… trái đắng. Điều đó lý giải tại sao nợ xấu ngân hàng lại gia tăng”, chuyên gia này khẳng định.

{keywords}
Bảo vệ của các ngân hàng dựng lán ngay trước cổng kho hàng.

Luật sư Trần Thu Nam - Trưởng Văn phòng luật sư Tín Việt và cộng sự (đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Việc thu lại mặt hàng mà doanh nghiệp đã thế chấp với ngân hàng phải theo một trình tự nhất định. Trình tự này là do phán quyết của một cơ quan tài phán nào đó như tòa án hay trọng tài kinh tế. Trong trường hợp này, chưa có quyết định của các cơ quan tài phán mà các ngân hàng đã "đổ xô" đến nhằm chiếm giữ tài sản thế chấp khi chưa được xác minh, làm rõ là thuộc quyền của ngân hàng nào. "Như vậy, để giải quyết tình trạng của công ty Âu- Mỹ khi các ngân hàng cùng một lúc bủa vây xiết nợ thì chắc chắn cần phải có phán quyết của cơ quan tài phán chứ không phải là cử nhân viên ngân hàng xuống xiết nợ hàng hóa của doanh nghiệp”, ông Nam khẳng định.

Từ thực tế vụ việc các ngân hàng “rủ nhau” canh kho hàng hoá của doanh nghiệp cho thấy việc thẩm định hồ sơ vay vốn đang có vấn đề nhất là đối với cho vay thế chấp hàng hoá. Điều này khiến nợ xấu, được các chuyên gia ví như “cục máu đông” gia tăng trong các ngân hàng.

Một lãnh đạo của ngân hàng lớn đã khẳng định: “Việc cho doanh nghiệp vay thế chấp bằng hàng hoá xác định khó hơn so với các tài sản định danh khác như bất động sản, ô tô… Vì những tài sản này có giấy tờ sở hữu và nó có thể giúp ta phân biệt được tài sản này và tài sản khác. Nhưng đối với hàng hoá thế chấp để vay vốn tính chất rủi ro cao hơn do khó xác định hàng hoá ấy đã thế chấp cho ngân hàng nào chưa. Vì thế buộc các ngân hàng phải tăng cường công tác giám sát, quản lý hàng tồn kho. Việc doanh nghiệp có thể lợi dụng lượng hàng hoá đó đem đi thế chấp nhiều ngân hàng, thông qua việc sử dụng các loại giấy tờ mua bán để chứng minh sở hữu bằng cách đưa cho mỗi ngân hàng có thể đều là bản chính cả. Nhưng vì hàng hoá không có định danh nên khó xác định được số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hoá vì các thông tin không cụ thể. Chính vì lẽ đó, rủi ro trong cho vay thế chấp hàng hoá là rất lớn, nhất là với những doanh nghiệp cố tình qua mặt ngân hàng, thậm chí làm hồ sơ giả để nhiều ngân hàng cùng sập bẫy”.

Tính liên thông trong hệ thống ngân hàng còn yếu

Bình luận thực tế này, chuyên gia ngân hàng Lê Trí Hiếu cho rằng: “Để xảy ra việc 7-8 ngân hàng cùng chầu chực bên một kho hàng hoá là điều đáng tiếc. Tôi nghĩ ở đây có lỗi của chính các ngân hàng. Ngân hàng phải có trách nhiệm thẩm tra, giám sát đồng thời phải kiểm soát được lượng hàng hoá mà doanh nghiệp đã đem ra thế chấp. Qua chuyện này cho thấy, tính liên thông trong hệ thống ngân hàng còn yếu vì thế rủi ro cho vay thế chấp bằng tài sản càng lớn”. 

Sẽ xuất hiện nhiều ngân hàng đi...canh kho

Chuyên gia ngân hàng Cấn Văn Lực khẳng định: Rõ ràng việc các ngân hàng cùng canh kho hàng của Âu - Mỹ là trường hợp cực chẳng đã và không đẹp mắt trước bàn dân thiên hạ. Đây cũng là một tình thế có thể xảy ra phổ biến trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay. Để hạn chế những “nghịch lý” này ông Lực cho rằng các ngân hàng cần tăng cường trách nhiệm thẩm tra, giám sát của cán bộ tín dụng ngân hàng; Trong hợp đồng về tài sản thế chấp, tài sản đảm bảo nên có một điều khoản quy định thứ tự ưu tiên được hưởng xử lý tài sản khi doanh nghiệp xảy ra vấn đề; Cơ chế phối hợp thông tin đặc biệt là ngồi cùng nhau để cùng bàn thảo và thương thảo vấn đề.


(Theo ĐSPL)