Trong những năm qua, lượng đơn đăng ký sáng chế liên quan đến dược phẩm ở nước ta tăng mạnh. Tuy nhiên trên thực tế nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn thờ ơ với việc đăng ký sáng chế cũng như bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu.

 PV đã có cuộc phỏng vấn ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Sáng chế số 2, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ về vấn đề này.
 
- Xin ông cho biết, việc bảo hộ sáng chế mang lại lợi ích gì đối với doanh nghiệp (DN) dược phẩm nói riêng cũng như đối với xã hội nói chung hiện nay?
 

Hệ thống bảo hộ quyền SHTT khuyến khích các hoạt động sáng tạo, tạo ra sản phẩm và quy trình mới, đồng thời tránh được việc nghiên cứu trùng lặp. Trong quá trình thẩm định, những sáng chế đáp ứng điều kiện về mặt hình thức sẽ được công bố, đó chính là nguồn thông tin để xã hội có thể tiếp cận, giúp họ nghiên cứu các giải pháp tiếp theo, tránh lãng phí nguồn lực, đảm bảo tính kế thừa, sự phát triển liên tục của KH&CN, đồng thời tránh được việc xâm phạm quyền SHTT đối với sáng chế.
 
Hệ thống bảo hộ sáng chế khuyến khích đầu tư cho các hoạt động sáng tạo, giúp cho người đầu tư chi phí có được độc quyền trong thời hạn bảo hộ 20 năm kể từ ngày nộp đơn. Đó là khoảng thời gian để họ nắm giữ độc quyền sử dụng và khai thác thương mại. Từ đó, họ có đủ thời gian thu lại chi phí đã đầu tư để tạo ra sáng chế. Qua đó cũng giúp họ thu được những lợi nhuận nhất định để tiếp tục đầu tư cho các hoạt động sáng tạo tiếp theo.
 
Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, việc bảo hộ độc quyền sáng chế cho sản phẩm hoặc quy trình là nghĩa vụ bắt buộc theo quy định của Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), áp dụng cho các nước thành viên WTO.
 
Doanh nghiệp dược cần quan tâm đến bảo hộ sáng chế
- Những quy định và điều kiện đối với việc bảo hộ sáng chế trong lĩnh vực dược phẩm tại Việt Nam hiện nay như thế nào, thưa ông?

Ở nước ta, việc bảo hộ độc quyền đối với sáng chế bắt đầu từ năm 1981 với việc ban hành Nghị định 31/CP quy định về điều lệ sáng kiến cải tiến kỹ thuật - hợp lý hoá sản xuất và sáng chế. Sáng chế liên quan đến dược phẩm luôn được coi là đối tượng có khả năng bảo hộ ở Việt Nam.

Điều kiện bảo hộ cho sáng chế liên quan đến dược phẩm cũng không nằm ngoài những điều kiện bảo hộ chung đối với sáng chế trong mọi lĩnh vực là tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp.

Điểm đặc biệt là trong đơn đăng ký sáng chế trong lĩnh vực dược, người nộp đơn phải cung cấp các dữ liệu liên quan đến tác dụng/hoạt tính của sản phẩm yêu cầu bảo hộ. Trong lĩnh vực dược, phương pháp phòng, điều trị, chẩn đoán bệnh ở người và động vật, kể cả phương pháp phẫu thuật, và các phương pháp tương đương là đối tượng không được nhà nước bảo hộ.
 
- Được biết, tính đến nay có khoảng 1925 bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích liên quan đến dược phẩm được cấp, trong đó chỉ có 71 bằng được cấp cho chủ bằng Việt Nam. Vậy  đâu là nguyên nhân khiến DN dược Việt có số lượng bằng sáng chế ít như vậy?
 
Ở Việt Nam, ít có DN có khả năng tạo ra sáng chế, các DN còn ít quan tâm đến hoạt động sáng tạo, tạo ra công nghệ, phát triển sản phẩm mới, đương nhiên lượng đơn đăng ký sáng chế được nộp và lượng bằng sáng chế được cấp sẽ thấp.
 
Ý thức bảo hộ quyền SHTT của DN dược đối với sản phẩm/quy trình sáng tạo cũng thấp, kỹ năng xác lập và thực thi quyền SHTT đối với sáng chế đều còn ở mức thấp, ngay cả khi so sánh với một số nước trong khu vực như Singapore hay Philippin.
 
 Lĩnh vực dược mang tính đặc thù, việc sáng tạo ra sản phẩm quy trình mới thường đòi hỏi chi phí lớn, yêu cầu hệ thống phương pháp luận nghiên cứu sâu. Ví dụ, để tạo ra một hoạt chất mới, sau đó tiến hành thử nghiệm và đăng ký lưu hành, thì chi phí bỏ ra là rất lớn có thể lên tới khoảng 1 tỷ USD. Đây là một nguyên nhân cản trở DN, các viện, trường, trong việc tạo ra các sáng chế liên quan đến dược phẩm. Thực tế này cũng phổ biến ở nhiều nước đang phát triển.
 
Theo tôi, ở Việt Nam, đối với sáng chế liên quan đến dược phẩm, có lẽ thế mạnh nằm ở việc phát triển các sản phẩm, quy trình dựa trên tri thức truyền thống. Ví dụ như sáng chế liên quan đến thuốc y học cổ truyền. Trong điều kiện Việt Nam, việc phát triển sáng chế theo hướng này có tính khả thi cao hơn so với tân dược, đòi hỏi nghĩa vụ chứng minh hiệu quả/độ an toàn, kèm theo đó là chi phí thấp hơn...
 
- Vậy, theo quan điểm của riêng ông, trong thời gian tới để số lượng các DN dược phẩm được cấp bằng sáng chế/giải pháp hữu ích ngày một nhiều hơn thì các DN dược phẩm cần hướng đến nhiệm vụ gì?
 
Việc đầu tiên, để tránh trường hợp xâm phạm độc quyền sáng chế của người khác một cách vô ý do thiếu hiểu biết, chúng ta phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về hệ thống xác lập quyền, thực thi bảo hộ quyền SHTT, cũng như những kỹ năng liên quan tới tra cứu hệ thống cơ sở dữ liệu ở Việt Nam.
 
Trong hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung, trước khi sản xuất hay kinh doanh một sản phẩm mới hoặc áp dụng quy trình mới trong DN, việc đầu tiên nên làm là tiến hành tra cứu cơ sở dữ liệu sáng chế. Ở các nước phát triển, để làm công tác nghiên cứu và phát triển thì kỹ năng tra cứu tư liệu sáng chế là điều không thể thiếu. Hoàn toàn có thể áp dụng những sáng chế không được bảo hộ ở Việt Nam hoặc hết thời hạn bảo hộ ở Việt Nam vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nếu công việc nêu trên được làm tốt, thì đó chính là tiền đề để sáng chế sẽ được tạo ra.
 
- Xin cảm ơn ông!
 
Trần Hồng – Phương Nga (thực hiện)