Theo ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Sáng chế số 2- Cục SHTT, nhiều doanh nghiệp, cá nhân Việt Nam chưa thật sự coi trọng và đầu tư đúng mức vấn đề bảo hộ sáng chế về dược phẩm.

Mới đây, tại Hà Nội, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phối hợp với Dự án USAID/STAR Việt Nam tổ chức Hội thảo về thực thi quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) dành cho khu vực phía Bắc.

Hội thảo tập trung thảo luận xoay quanh một số vấn đề như: quy định pháp luật quốc gia về bảo hộ và thực thi quyền đối với sáng chế về dược phẩm; cơ chế phối hợp trong xử lý xâm phạm quyền SHTT đối với dược phẩm; vai trò của tổ chức giám định, đại diện SHTT, chủ thể quyền trong thực thi SHTT về dược phẩm,…


Tham dự Hội thảo có sự tham gia của hơn 50 đại biểu là đại diện các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối dược phẩm trong nước, cơ quan quản lý dược phẩm, quản lý nhà nước về SHTT, thực thi quyền SHTT, tổ chức đại diện SHTT và các cơ quan, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng,…

Ông Lê Huy Anh, Trưởng phòng Sáng chế số 2- Cục SHTT cho rằng, sáng chế liên quan đến dược phẩm (kể cả sáng chế dạng sản phẩm hay quy trình) luôn được coi là đối tượng có khả năng bảo hộ ở Việt Nam, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp chưa thật sự coi trọng và đầu tư đúng mức vấn đề bảo hộ sáng chế về dược phẩm.

Đến nay, có khoảng 7.306 đơn đăng kí sáng chế liên quan tới dược phẩm, trong đó chỉ có gần 190 chủ đơn là doanh nghiệp Việt Nam, chiếm 2,6%; gần 2.000 bằng độc quyền sáng chế liên quan đến dược phẩm được cấp, trong đó chỉ có 71 bằng có chủ là người Việt Nam, chiếm 3,7%.

Thanh tra Bộ KH&CN cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong trường hợp nhận được thông báo liên quan đến xâm phạm quyền SHTT cần thực hiện 1 trong 4 biện pháp sau: giải trình về việc không xâm phạm; yêu cầu hủy bỏ văn bằng, nếu có chứng cứ; đàm phán về việc chuyển giao quyền sử dụng (li-xăng) hoặc thỏa thuận với chủ thể quyền về việc chấm dứt vi phạm với sự ghi nhận của cơ quan có thẩm quyền xử lý vụ việc.

  • Thu Trang