Thái Lan là nước đứng đầu ASEAN về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ cho nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Điều này đã biến Thái Lan thành cứ điểm sản xuất nhiều mặt hàng xuất khẩu như ô tô, xe máy, hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng… của các công ty đa quốc gia.
Thái Lan là nước đứng đầu ASEAN về phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. |
Đồng thời, nước này đã tận dụng lợi thế việc các công ty của Nhật Bản ồ ạt đầu tư sang các nước trong khu vực ASEAN để phát triển CNHT trong nước. Bên cạnh đó, Thái Lan còn khuyến khích các DN đổi mới công nghệ thông qua việc miễn thuế thu nhập DN (TNDN), miễn thuế nhập khẩu máy móc thiết bị trong một thời gian nhất định đối với những DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT.
Theo TS. Nguyễn Thị Tường Anh, trường Đại học Ngoại thương, Sở dĩ có được điều này là do, Thái Lan đã đặc biệt chú trọng vào các chính sách khuyến khích và bảo vệ thị trường nội địa như chính sách nội địa hóa, giảm thuế nhằm phát triển nhanh các ngành sản xuất, từ đó làm tăng nhu cầu đối với các ngành CNHT.
Thái Lan đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, thành lập các khu tự do thương mại cho các dự án đầu tư vào phát triển các ngành Công nghiệp trọng điểm. Nổi bật nhất là hoạt động tăng cường liên kết với các DN FDI, đặc biệt là các DN Nhật Bản. Những năm qua, có thể thấy, vai trò của các DN FDI trong việc phát triển CNHT ở Thái Lan là rất lớn, nó được thể hiện thông qua chuyển giao công nghệ cho các công ty CNHT trong nước…
Bên cạnh các chính sách ưu đãi cho phát triển CNHT nói trên, Thái Lan còn thành lập các ủy ban hỗ trợ về vấn đề này và các tổ chức chuyên lo phát triển xây dựng và hình thành mối liên kết công nghiệp trong nước.
Cụ thể, năm 1985, Thái Lan đã thành lập Phòng Phát triển CNHT (BSID) trong Ủy ban xúc tiến công nghiệp (DIP) thuộc Bộ Công nghiệp với sự hỗ trợ của Nhật Bản. Mục tiêu chính của BSID là hỗ trợ các DN nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước hoạt động trong các ngành CNHT như phối hợp với Nhật Bản tổ chức các khóa đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho các lao động trong các DNNVV, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các ngành CNHT, thiết kế và phát triển mẫu và hỗ trợ hệ thống thầu phụ, đưa ra quy hoạch tổng thể cho phát triển CNHT…
Năm 1985, Thái Lan đã thành lập Phòng Phát triển CNHT (BSID). |
Tiếp đến, năm 1998, Thái Lan thành lập Cục Phát triển CNHT trực thuộc Vụ Xúc tiến công nghiệp của Bộ Công nghiệp, nhằm cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các ngành CNHT, thiết kế và phát triển các khuôn cho sản xuất thiết bị điện tử gia công nhiệt và xúc tiến phát triển các nhà thầu phụ. Thái Lan hiện cũng có những viện nghiên cứu độc lập hỗ trợ cho các ngành Công nghiệp, như Viện Ô tô, Viện Điện tử, Viện Thực phẩm, Viện Dệt may… nhằm hỗ trợ nghiên cứu và phát triển những ngành này.
Hiện nay, ngành CNHT của Thái Lan có 3 cấp: lắp ráp, cung cấp thiết bị phụ tùng và linh kiện, dịch vụ. Riêng đối với ngành Công nghiệp ô tô, Thái Lan có hơn 2.000 DN sản xuất linh kiện, trong đó có gần 400 nhà sản xuất chuyên về phôi đúc hoặc rèn.
Điều này không chỉ đưa tỷ lệ nội địa hóa ô tô lên cao mà còn giúp Thái Lan trở thành nước xuất khẩu ô tô và linh kiện được sản xuất tại chỗ lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù có 15 nhà máy lắp ráp, nhưng Thái Lan có đến 1.800 nhà cung cấp thiết bị phụ tùng và linh kiện dịch vụ. Chính phủ Thái Lan từ việc quy định về tỷ lệ nội địa hóa 40% với xe tải nhỏ, 54% với các loại xe tải khác vào năm 1996, đến nay, quy định tỷ lệ nội địa hóa là 100% đối với động cơ diesel.
Điều này kéo theo những dự án đầu tư mở rộng nhà xưởng sản xuất ngay tại chỗ, thu hút các công ty, tập đoàn lớn từ chính nước họ sang đầu tư ở Thái Lan để mở thêm các cơ sở CNHT. Đây là câu trả lời cho câu hỏi vì sao hiện nay Thái Lan là nước đứng đầu các nước ASEAN về phát triển CNHT.
Thu Nga tổng hợp