Sáng 9/9, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.HCM đã tổ chức buổi hướng dẫn lập hồ sơ đăng ký thực hiện nhiệm vụ KHCN phục vụ xây dựng "Chương trình sản phẩm mục tiêu TP".

Theo ông Phạm Văn Xu, Quyền Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở KH&CN TP.HCM cho biết, kể từ khi công bố Chương trình sản phẩm mục tiêu cho TP, Sở KH&CN TP.HCM đã nhận được 54 đề xuất từ phía các doanh nghiệp, đơn vị nghiên cứu.

Sau một thời gian đánh giá, Sở đã lựa chọn ra được 8 sản phẩm, nhiệm vụ đáp ứng được những tiêu chí mà chương trình đưa ra. Những sản phẩm này tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TP, đó là Cơ khí – chế tạo; điện tử - CNTT; hóa chất, hóa dược - Cao su nhựa; Chế biến tinh lương thực, thực phẩm. Đây đều là những ngành nghề có tiềm năng lớn để đưa ra thị trường, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Mục tiêu của chương trình là xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, hoàn thiện công nghệ sản xuất và hoàn thiện sản phẩm đưa vào thị trường.

Doanh nghiệp là chủ thể trong hoạt động KHCN - 1

(Từ phải qua) Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc SỞ KH&CN TP.HCM và ông Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM tham gia buổi hướng dẫn.

Về tiêu chí xét chọn, các đề tài, sản phẩm phải hướng tới hiệu quả kinh tế xã hội, phải ứng dụng được rộng rãi cho nhiều doanh nghiệp, cá nhân cùng sử dụng. 

Chủ nhiệm đề tài cũng cần chứng minh được tính mới, ưu việt, tiên tiến của công nghệ. Phải so sánh được trình độ công nghệ mới so với công nghệ hiện có ở Việt Nam, khả năng triển khai công nghệ trong nước, tính phù hợp của công nghệ đối với phương án sản xuất và yêu cầu của thị trường.

Cùng với đó là chứng minh được lợi ích kinh tế, khả năng thị trường và cạnh tranh của sản phẩm nhiệm vụ. Về hiệu quả kinh tế mang lại khi áp dụng kết quả nghiên cứu, khả năng mở rộng thị trường ở trong nước và xuất khẩu...

Các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu tham gia chương trình cũng phải chứng minh được năng lực thực hiện nhiệm vụ của mình. Từ đó, phát triển tiềm lực KH&CN trong doanh nghiệp cũng như xã hội…

Doanh nghiệp là chủ thể trong hoạt động KHCN - 2

Đại diện 2 đơn vị tham dự buổi hướng dẫn trao đổi sau sự kiện

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM, dù Nhà nước ta đã xác định KHCN là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đến nay, KHCN vẫn chưa thực sự phát huy được hết vai trò của nó.

Điều quan trọng là hoạt động nghiên cứu phải gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Chỉ khi nào làm được như vậy, KHCN mới thực sự là trở thành bàn đạp để phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. 

Hiểu được điều đó, TP đã đề ra Chương trình sản phẩm mục tiêu nhằm gắn kết doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, từ đó, cho ra đời những sản phẩm mà TP đang mong muốn đẩy mạnh.

Từ việc gắn kết, TP cũng mong muốn hình thành nên các trục doanh nghiệp, trong đó tập trung nhiều đơn vị đầu ngành để cùng nhau phát triển lớn mạnh ra thế giới. Đây là sự hợp tác lâu dài, Nhà nước sẽ đứng đằng sau lưng hỗ trợ.

Theo ông Dũng, điểm khác biệt lớn nhất của Chương trình sản phẩm mục tiêu, là phải có sự tham gia của doanh nghiệp. “Chủ thể của chương trình là doanh nghiệp, xuất phát từ chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp. Chính doanh nghiệp sẽ quyết định nên đầu tư vào đâu, sản phẩm nào để phù hợp với mình”, ông Dũng khẳng định.

Lý giải điều này, theo ông Dũng, Nhà nước không thể lấy tiền thuế của dân để đầu tư cho một doanh nghiệp, như thế sẽ vi phạm nguyên tắc thị trường. “Thay vì đầu tư trực tiếp cho doanh nghiệp, Nhà nước sẽ đầu tư vào tổ chức KH&CN. Bởi khi đề tài, sản phẩm nghiên cứu ra, tổ chức KH&CN có thể chuyển giao thêm cho nhiều doanh nghiệp khác để nhiều người cùng hưởng thụ”.

Với những đề tài thuộc Chương trình sản phẩm mục tiêu, ông Dũng cho biết, mức hỗ trợ của Nhà nước có thể cao hơn nhiều lần so với mức bình quân của các đề tài nghiên cứu thông thường. Tuy nhiên, nếu muốn được hỗ trợ, thì cần phải có sự hợp tác công tư, nghĩa là doanh nghiệp phải bỏ vốn đối ứng để cùng thực hiện. Mức đối ứng có thể là 50 – 50 hay tùy theo thỏa thuận giữa các bên.