Nghị định 119 đã thực sự trở thành đòn bẩy “kích cầu” giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào hoạt động nghiên cứu khoa học. Các doanh nghiệp cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học để vươn lên nhờ "119".

"Đòn bẩy" cho doanh nghiệp


Để khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào hoạt động KH&CN nhằm đổi mới, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 119/1999/NĐ-CP về một số chính sách và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học và công nghệ.


 

119 thực sự là "đòn bẩy" cho doanh nghiệp phát triển
Hoạt động KH&CN được khuyến khích theo quy định của Nghị định này bao gồm: Hoạt động nghiên cứu - triển khai do doanh nghiệp tự thực hiện hoặc ký kết hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới; dịch vụ KHCN...


Là một doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, đã có thời gian TRAPHACO “trị vì” thị trường trong nước, nhưng vài năm trở lại đây, thuốc ngoại tràn vào khiến công ty phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Khi 119 ra đời, TRAPHACO đã tự “gồng mình” bằng việc đổi mới công nghệ, đầu tư nghiên cứu khoa học. Với sự “tiếp sức” của 119, công ty đã nghiên cứu thành công áp dụng y học cổ truyền sản xuất thuốc tự nhiên, giải quyết bài toán phụ thuộc nguồn nguyên liệu, cạnh tranh được với thuốc ngoại và tạo việc làm cho một lượng lớn người lao động.


Nhờ ứng dụng KH&CN, một lao động của công ty Công ty sơn tổng hợp Hải Phòng có thể sản xuất ra một giá trị hàng hóa tương đương khoảng 100.000 USD/năm, tức khoảng gần 2 tỉ đồng, cao hơn nhiều so với mức trung bình của các doanh nghiệp thông thường vốn chỉ ở mức 5.000-7.000 USD/năm.

Một doanh nghiệp khác, Công ty cơ khí Quang Trung (Ninh Bình), vốn chỉ là một xí nghiệp cơ khí tư nhân, không nhận được đầu tư lớn của Nhà nước, đã đi lên từ đôi chân của mình bằng các nghiên cứu về sản phẩm siêu trường siêu trọng có chất lượng tương đương với sản phẩm nhập ngoại của các nước phát triển.


Có thể thấy rằng, sự hỗ trợ trong nghiên cứu và ứng dụng KH&CN của 199, trực tiếp là Bộ KH&CN đã giúp các doanh nghiệp đứng vững và ngày một phát triển.


Với đề tài “Nghiên cứu cải tiến nâng cao năng suất dây chuyền sản xuất băng dính BOPP”, Công ty cổ phần Vĩnh An (Vĩnh Phúc) đã được Bộ KH&CN quyết định hỗ trợ 400 triệu đồng thực hiện. Sau hai năm triển khai thực hiện, Bộ KH&CN đã đánh giá đề tài đạt kết quả đảm bảo nội dung nghiên cứu đã đề ra, dây chuyền sản xuất đạt yêu cầu, sản phẩm đạt các thông số kỹ thuật. Sau khi ứng dụng vào thực tế đã nâng công suất từ 14 triệu m2 sản phẩm/năm lên 28 triệu m2 sản phẩm/năm.

"Điểm sáng" doanh nghiệp làm khoa học

Đã có không ít các doanh nghiệp khẳng định mình bằng “làm khoa học” theo tinh thần của 119. Công ty Sáng chế Công nghệ An Sinh với sản phẩm máy chữa cháy không cần cấp năng lượng, máy hút rác khí động học; Công ty Cổ phần Gạch ngói Quỳnh Lâm (Hòa Bình) nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị cơ giới hóa và tự động hóa dây chuyền sản xuất gạch nung liên tục kiểu đứng.v.v…


 Thành công của 119 là đã đưa doanh nghiệp làm khoa học

Thành công của những doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển sản xuất được đánh giá là những đốm sáng trong bức tranh công nghệ của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân từng khẳng định: “Khoa học công nghệ phải thoát khỏi tháp ngà, hướng tới doanh nghiệp và phục vụ đổi mới của doanh nghiệp” và "Muốn giải phóng khoa học ra khỏi tháp ngà cần phải có cơ chế chính sách”. Nghị định 119 chính là “đòn bẩy” cho doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Sau 8 năm thực hiện, theo hầu hết ý kiến của các doanh nghiệp, “thành công của 119 là đã đưa doanh nghiệp làm khoa học”.


Có thể khẳng định rằng, công tác nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp đã đem lại lợi ích rất lớn. Với một phần kinh phí được Nhà nước hỗ trợ,  doanh nghiệp có điều kiện cải tiến, nâng cao hiệu quả dây chuyền thiết bị qua đó nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm. Tuy nhiên, có một thực tế là trong những năm qua, số lượng doanh nghiệp đăng ký hỗ trợ còn hạn chế.


Để tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới công nghệ, các doanh nghiệp cần nhận thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của KH&CN đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, tìm hiểu các nội dung được Nhà nước khuyến khích nêu trong Nghị định 119/1999/NĐ-CP, tích cực đề xuất với cơ quan quản lý Nhà nước về KH&CN, tích cực đăng ký để được xem xét hỗ trợ, từ đó ngày một phát triển hơn.


• T.My