Sự suy thoái của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đáng kể tới kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng. Trong khi doanh thu của top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (TOP10) tăng đáng kể trong giai đoạn 2010-2012, từ 1.3 triệu tỷ năm 2010 lên tới hơn 2 triệu tỷ năm 2012, nhưng chỉ tiêu Tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) của các doanh nghiệp này đã đưa ra một lời cảnh báo về sự sụt giảm trong hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn giảm mạnh trong năm 2012

Việc tính toán hệ số ROA sẽ cho chúng ta hiểu thêm về khả năng sinh lời trên tổng tài sản của doanh nghiệp, hay nói cách khác mỗi đồng tài sản sẽ tạo ra lợi nhuận bao nhiêu. ROA càng cao thì càng tốt vì ROA cao hơn phản ánh rằng lượng tiền kiếm được trên cùng một lượng vốn đầu tư là cao hơn. Hình 1 chỉ ra rằng ROA trung bình của top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã giảm đi trong giai đoạn 2010-2012. ROA năm 2012 giảm tới 36% so với năm 2010. Rõ ràng, trong khi doanh thu của các doanh nghiệp này tăng lên đáng kể thì hiệu quả hoạt động đang đi theo hướng ngược lại.

Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROR) được sử dụng khi đánh giá hiệu quả lợi nhuận bằng cách so sánh thu nhập ròng và doanh thu. Khi ROR giảm, nó có thể chỉ ra rằng chi phí đang tăng lên. Ngược lại, khi ROR tăng lên, nó có thể cung cấp một dấu hiệu cho thấy chi phí đang được xử lý hiệu quả. ROR trung bình của TOP10 đã giảm đáng kể trong năm 2012 với mức giảm tới hơn 50% so với chỉ tiêu này trong năm 2011, thậm chí còn giảm sâu xuống thấp hơn chỉ số ROR của năm 2010. Hai chỉ số ROA và ROR trung bình của TOP10 đã đưa ra những cảnh báo đáng lo ngại về hiệu quả hoạt động của nhóm doanh nghiệp này.  

{keywords}

Hình 1: ROA và ROR của top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, 2010-2012. Nguồn: Viet Nam Report

ROA của TOP10 Việt Nam là tương đối cao so với các nước khác

Hình 2 so sánh ROA trung bình năm 2012 của TOP10 Việt Nam với TOP10 của các nước trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á và Ấn Độ cũng như top 10 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất thế giới (thuộc bảng xếp hạng Fortune 500). Hệ số sinh lời ROA trung hình của TOP10 Việt Nam trong năm 2012 chỉ thấp hơn TOP10 của Thái Lan, và cao hơn tất cả các nước khác. Điều này chỉ ra rằng tuy ROA bị giảm đi đáng kể nhưng TOP10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã sử dụng tài sản của doanh nghiệp hiệu quả hơn TOP10 của nhiều nước khác trong năm 2012.

{keywords}

Hình 2: ROA năm 2012 của top 10 Doanh nghiệp lớn nhất. Nguồn: VNR500, Forbes 2000 global, Fortune 500 global


Nhưng ROR lại đứng bét bảng

{keywords}

Hình 3: ROR năm 2012 của top 10 Doanh nghiệp lớn nhất. Nguồn: VNR500, Forbes 2000 global, Fortune 500 global


Hình 1 và 3 chỉ ra ROR trung bình của TOP10 Việt Nam là thấp và là thấp nhất trong các nước được lựa chọn để so sánh, có nghĩa là tỷ trọng chi phí trong doanh thu là cao nhất. Điều này phần nào giải thích được lý do tại sao ROA giảm đi trong khi doanh thu vẫn tăng lên. Các doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đã và đang thành công trong việc mở rộng quy mô của doanh nghiệp nhưng chưa thành công trong nâng cao hiệu quả kinh doanh. Điều này có thể ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp trong dài hạn khi mà Việt Nam hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới và sự cạnh tranh đến từ các tập đoàn nước ngoài sẽ căng thẳng hơn.

Sáng 17/01/2014, tại Trung tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP.Hà Nội, Ban tổ chức chương trình VNR500 gồm: Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) và Báo VietnamNet sẽ chính thức tồ chức Buổi Lễ Công bố Bảng xếp hạng VNR500 - Top500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013. Đây là năm thứ 7 liên tiếp, Bảng xếp hạng VNR500 được công bố để ghi nhận một cách khách quan thứ hạng và vị thế của doanh nghiệp cũng như vinh danh những doanh nghiệp có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong năm qua.

Minh Phan – Vietnam Report