gaubay.jpg
Cổng game gaubay.com của KoramGame.

>>Game của Koram Game vẫn phát hành công khai tại Việt Nam

Công ty game Trung Quốc đang phát hành nhiều game không phép tại thị trường trong nước nhất hiện nay vẫn là KoramGame. Đây là công ty đã được ICTnews phản ánh nhiều lần về sai phạm trong việc phát hành game và từng bị Bộ TT&TT gửi công văn tới các nhà cung cấp dịch vụ mạng trong nước (ISP), yêu cầu tiến hành chặn các game do họ phát hành trái phép, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam như: Phong Vân Tam Quốc 2, Tiên Cảnh, Tuyệt Đỉnh Tam QuốcPhi Tiên. Tuy nhiên, có vẻ như KoramGame không quan tâm và vẫn ngang nhiên phát hành game không phép nhằm “thách thức” cơ quan chức năng.

Cụ thể, tại website có tên miền gaubay.com của KoramGame vẫn phát hành 2 game không phép trên đó là Hiệp Khách Tam QuốcHùng Bá Tam Quốc. Bên cạnh đó, trên website với tên miền myw.vn thuộc công ty Cổ phần Mạng xã hội di động Việt Nam (Vinamoney), tại Hà Nội, cũng phát hành rất nhiều game của KoramGame như: Hoa Sơn Luận Kiếm, Vùng Đất Thủ Lĩnh Rồng, Tiếu Ngạo Tây DuDemon Slayer.

Ngoài KoramGame ra, theo tìm hiểu của phóng viên vẫn có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khác đang làm game không phép tại Việt Nam và đa số đều giấu kín thông tin, tuy nhiên họ vẫn phát hành game mới không phép rất đều đặn. Mới đây nhất, webgame một thời gây ra tranh chấp về vấn đề bản quyền giữa FPT Online với một đơn vị ở Trung Quốc, đồng thời gây ra nhiều mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp trong nước là MU - Return, cũng bất ngờ được phát hành tại Việt Nam với tên gọi Kỳ Tích tại website kytich.com. Hiện game này đang ra thông báo bảo trì trên website và dự kiến đến tháng 10 sẽ hoạt động lại.

Việc các doanh nghiệp Trung Quốc ngang nhiên phát hành game không phép như trên được xem là hành động coi thường các biện pháp quản lý từ cơ quan chức năng, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh không công bằng đối với doanh nghiệp game trong nước.