- Ngày càng có nhiều thương vụ doanh nghiệp Việt bán cho doanh nghiệp nước ngoài. Đứng từ góc độ người Việt, nhiều người cảm thấy tiếc nuối bởi các doanh nghiệp cả lớn lẫn nhỏ thất thế ngay trên “sân nhà”. Nhưng đứng từ góc độ chính doanh nghiệp, suy cho cùng thì kinh doanh vẫn luôn là bài toán lợi nhuận.
Chuyện bán doanh nghiệp Việt: “Người lên hương, người biến mất”
Thị trường Việt Nam đã chứng kiến nhiều tên thương hiệu biến mất hoặc chuyển nhượng cho doanh nghiệp nước ngoài sau thời gian tồn tại nhưng không còn khả năng sinh lời như: P/S, Dạ Lan, Diana, Metro, Big C… Từng chiếm đến 70% thị phần nội địa và là niềm tự hào của người Việt, song cả hai tên tuổi P/S và Dạ Lan cũng không duy trì được hoạt động kinh doanh khi bước vào giai đoạn bão hòa của vòng đời sản phẩm. P/S bị Unilever mua lại khi ngày càng tỏ ra đuối sức về mặt tài chính để theo đuổi các dự án hợp tác kinh doanh giữa hai bên. Còn Dạ Lan được “bán” cho Colgate Palmolive vì lo rằng không còn đủ khả năng cạnh tranh, nhưng sau đó lại nhanh chóng bị “khai tử” để Colgate đưa sản phẩm của mình vào phân khúc thị trường lớn vẫn còn đang bỏ ngỏ lúc bấy giờ.
Câu chuyện của Diana không có nhiều khác biệt. Sau khi trải qua thời kì phát triển đỉnh cao (với số lượng tiêu thụ sản phẩm hàng đầu trên thị trường trong nước), Diana đã bán 95% cổ phần cho Tập đoàn Unicharm. Mặc dù để lại rất nhiều tiếc nuối về một doanh nghiệp hiếm hoi của Việt Nam có thể cạnh tranh với các “ông lớn” nước ngoài, song được biết đây là chiến lược để đột phá ra trị trường khu vực và thế giới của doanh nghiệp này, tránh phải đối mặt với thất bại có thể xảy đến khi thị trường đã bão hòa sau giai đoạn đỉnh cao. Và có thể nói rằng may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác, Diana vẫn trụ vững trước sức ép cạnh tranh hay trong tâm trí khách hàng.
Không chỉ riêng hàng tiêu dùng, nhiều thị trường khác cũng gặp những tình huống tương tự. Những thương vụ chuyển nhượng lớn của Metro, Big C từng là mối quan tâm của nhiều người Việt trong suốt khoảng thời gian dài. Vài năm trở lại đây, sự xuất hiện của hàng loạt thương hiệu ngoại như Lotte, Aeon… càng cho thấy mối đe dọa cạnh tranh tiềm tàng với các nhà bán lẻ còn lại của Việt Nam. Câu hỏi là: Liệu sẽ còn bao nhiêu doanh nghiệp “nối gót” Metro, Big C?
Nếu đứng trên lập trường của người tiêu dùng mong muốn “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, chắc chắn sẽ có không ít người cảm thấy tiếc nuối, thậm chí là thất vọng, về những thương vụ nhượng quyền hay một vài tên tuổi đã hoàn toàn biến mất kể trên. Nhưng từ lập trường của doanh nghiệp và chủ doanh nghiệp thì sao, khi hiệu quả kinh doanh là mục tiêu cơ bản nhất và cũng là quan trọng nhất trong mọi hoạt động của doanh nghiệp?
Bài toán lợi nhuận trong kinh doanh
Kinh doanh vẫn luôn là bài toán lợi nhuận: Làm sao để kiếm ra tiền, làm sao để có lời. Điều đó đúng. Bởi suy cho cùng, lợi nhuận vẫn là những gì mà một người thực sự có được từ mỗi đồng mình bỏ ra. Thậm chí, trong rất nhiều trường hợp ở tất cả các quốc gia, khả năng sinh lời là thước đo thành công của việc kinh doanh. Các doanh nhân cần tạo ra lợi nhuận không chỉ để phục vụ mục đích cá nhân, mà còn nhằm mang lại giá trị cổ đông hay đảm bảo cho sự tồn tại lâu dài của toàn bộ tổ chức.
Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu McKinsey, giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận chưa từng có của các doanh nghiệp toàn cầu trong vòng 30 năm qua có thể sẽ kết thúc. Sự cạnh tranh đang gia tăng khi các công ty trên thị trường mới nổi tiến ra thị trường toàn cầu, và các công ty công nghệ nhanh chóng chuyển mình sang lĩnh vực mới.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể giảm trong thập kỉ tới dù doanh thu vẫn tăng. Nguồn: McKinsey&Company. |
Cũng theo McKinsey, tính phức tạp ngày càng cao của cuộc cạnh tranh này đang tạo ra một cuộc đua lợi nhuận hoàn toàn khác biệt, khi mà lợi nhuận dần chuyển từ các ngành công nghiệp nặng sang các ngành công nghiệp mang tính sáng tạo như nghiên cứu và phát triển (R&D), thương hiệu, phần mềm… Nói cách khác, “kinh doanh cái gì” và “kinh doanh thế nào” để sinh lời đang trở thành câu hỏi lớn cho các tập đoàn, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp ở thị trường mới nổi và còn nhiều hạn chế về vốn, tài nguyên hay công nghệ như Việt Nam.
Điều đó càng đặt ra tính cấp bách cho những giải pháp nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp. Theo khảo sát tháng 04 - 05/2017 của Vietnam Report với các doanh nghiệp lớn Việt Nam, môi trường kinh doanh hiện đang tồn tại nhiều thách thức lớn như: sự xuất hiện của đối thủ mới, chất lượng nguồn nhân lực, giá cả hàng hóa, kĩ năng quản lí và quản trị… Thực tế, để đón đầu xu thế cách mạng công nghiệp mới, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là đòi hỏi tất yếu của doanh nghiệp; đồng thời, phải có chính sách quản trị và quản lí nhằm giữ chân nhân tài – tránh hiện tượng “chảy máu chất xám”. Chế độ lương thưởng, đãi ngộ cán bộ công nhân viên, quy trình quản lí nhân sự… từ lâu đã là mối quan tâm lớn cần được hoạch định hợp lí của mỗi doanh nghiệp Việt trong cuộc chạy đua với các doanh nghiệp ngoại.
Những thách thức lớn nhất trong môi trường kinh doanh mà lãnh đạo doanh nghiệp phải đối mặt. Nguồn: Vietnam Report. |
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước. Với việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và song phương, doanh nghiệp nước ta được hỗ trợ rất nhiều nhưng cũng phải đối mặt cùng nhiều áp lực kinh doanh khi bội chi ngân sách Nhà nước ngày càng lớn, và Bộ Tài chính đang đề xuất tăng thuế VAT trong thời gian tới.
Tóm lại, khi hầu như không ai có thể từ chối lợi nhuận trong kinh doanh thì đây vẫn là bài toán còn nhiều thách thức. Đặc biệt là trong thời đại của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình hội nhập quốc tế, để phát triển và tạo ra lợi nhuận, nền kinh tế Việt Nam rất cần sự phối hợp giữa các tổ chức, các cá nhân và giữa mọi yếu tố góp phần làm nên thành công của một doanh nghiệp – bao gồm cả nhân lực, công nghệ, tài nguyên… Kinh doanh là bài toán lợi nhuận mà nếu đưa ra được đáp án, mỗi doanh nghiệp đều có cơ hội để trở thành cột trụ tương lai của nền kinh tế quốc gia.
Bảng xếp hạng 500 Doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam (PROFIT500) của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) được công bố lần đầu tiên vào năm 2017 bởi Báo VietnamNet, với sự tư vấn đặc biệt của các chuyên gia trong và ngoài nước. Lễ công bố PROFIT500 – tôn vinh các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả và có hiệu suất sinh lời tốt – do Vietnam Report tổ chức sẽ diễn ra vào tháng 11/2017 tại Hà Nội. |
Thanh Huyền – Vietnam Report