Chiều nay, 23/8, một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã gửi đăng ký giá mới tới Bộ Tài chính với mức tăng từ 1.100-1.200 đồng/lít đối với xăng và 700-800 đồng/lít đối với các mặt hàng dầu.
Như thường lệ, nguyên nhân của các “đơn” xin tăng giá này vẫn là chuyện kinh doanh xăng dầu lại lỗ do giá thế giới tăng cao. Thông tin cập nhật từ các doanh nghiệp này cho biết, tính bình quân 30 ngày qua tới ngày 22/8, mức lỗ cho mặt hànag xăng đã tăng từ 970 đồng/lít lên hơn 1.100 đồng/lít, mức lỗ các mặt hàng dầu đã tăng từ 450-500 đồng/lít lên hơn 600 đồng/lít.

Tuy nhiên, kể từ ngày 13/8, riêng xăng được bù 300 đồng/lít từ Quỹ bình ổn nên lỗ hiện nay của mặt hàng này giảm chỉ còn 900 đồng/lít. Với các mức lỗ trên, tỷ lệ chênh lệch giá cơ sở cao hơn giá bán lẻ hiện nay đã tăng lên 3% đối với dầu và 5% đối với xăng.
Ngày 22/8, giá xăng dầu thành phẩm giao dịch tại Singapore vẫn tiếp tục giữ ở mức cao. Trong đó, xăng A92 hạ trong 3 ngày gần đây, hiện còn 125,35 USD/thùng, giảm 1,65 USD/thùng so với hôm 17/8 nhưng giá bình quân 30 ngày không hạ đáng kể. Đường đồ thị giá của các mặt hàng dầu vẫn đang nhích lên hoặc đi ngang từng ngày. Dầu diezen 0,05S hiện có giá 133,47 USD/thùng, tăng 27 cent/thùng. Dầu hỏa có giá 131,97 USD/thùng và dầu madut giao dịch với giá 684,14 USD/thùng.

Theo “nhịp” 10 ngày cách nhau tối thiểu giữa 2 lần tăng giá, đây là lần thứ 4 liên tiếp giá xăng dầu được đề nghị tăng trong vòng chỉ 34 ngày.

Sau 5 lần giảm giá liên tiếp, ngày 29/6, quyền định giá được Liên bộ Tài chính- Công Thương giao trở lại cho các doanh nghiệp đầu mối nhằm thực hiện đầy đủ Nghị định 84. Song cũng từ thời điểm này, giá xăng dầu thế giới lại bật mạnh nên quyền tự định giá này đều theo một chiều xin tăng.

Giả thiết các phương án trên được Bộ Tài chính chấp thuận, mỗi lít xăng sắp tới có thể sẽ vượt ngưỡng 24.000 đồng/lít, đẩy mức giá bán lẻ lên 24.100-24.200 đồng/lít. Nếu vậy, mức giá trên sẽ trở thành lập kỷ lục cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử thị trường xăng dầu, vượt qua giá đỉnh 23.800 đồng/lít xăng áp dụng từ 20/4 – trước ngày 9/5.

Các mặt hàng dầu diezen và dầu hỏa sẽ có giá vượt ngưỡng 22.000 đồng/lít, dầu madut trên 19.000 đồng/kg.
Theo nhiều doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, Bộ Tài chính cần tính toán lùi thuế từ 2-3% để giảm nhiệt thị trường, hỗ trợ cho người tiêu dùng trong lúc khó khăn. Hiện, Bộ Tài chính đang thu 12% thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa, dầu madut và 10% thuế nhập khẩu diezen.

Phạm Huyền