Không nổi như các đại gia được cho là thức thời khác, nhiều ông chủ không ôm đồm đầu tư, âm thầm cày quốc trên lĩnh vực hẹp của mình đang âm thầm vượt lên thống trị lĩnh vực kinh doanh của mình. Một thời, họ bị xem là chậm chân, lạc hậu thì nay họ đang vững vàng ở vị trí dẫn đầu.

Những ông vua, bà hoàng mới

ĐHCĐ bất thường 2013 của Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (VNS) vừa thông qua kế hoạch phát hành 3 triệu cổ phiếu riêng lẻ, với giá tối thiểu 44.000 đồng/cp để lấy vốn đầu tư thêm xe phát triển kinh doanh tại các địa bàn hiện hữu và các địa bàn mới trong năm 2013-2014.

Bước đi của ông chủ Vinashun Đặng Phước Thành diễn ra trong bối cảnh DN taxi này đã giành được vị trí đứng đầu tại thị trường miền Nam, trong khi ông lớn “tiền bối” Mai Linh - đối thủ chính của VNS lại đang ngập chìm trong khó khăn phải co gọn hoạt động, quyết định bán cả nghìn đầu xe để xử lý nợ nần.

{keywords}

Không những thế, ông chủ Vinasun còn tham vọng tiến ra Hà Nội và sẽ lập lại trật tự thị trường taxi này. Với chiến lược đánh trọng điểm, Vinasun hiện đang nắm giữ khoảng 45% thị phần tại TP.HCM, 60% ở Bình Dương và Đông Nai và đang tấn công sang các các thành phố tiềm năng khác.

Tương tự, 2 DN trong lĩnh vực thủy sản là Vĩnh Hoàn (VHC) và Hùng Vương (HVG) đang gặt hái được rất nhiều thành công trong bối cảnh rất nhiều DN cùng ngành khác lao đao, thậm chí phá sản trong thời gian gần đây như trường hợp Phương Nam, Bianfishco...

Vĩnh Hoàn vừa cho biết, tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 128,4 triệu USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ một xí nghiệp chế biến cá basa nhỏ gia công cho các công ty xuất khẩu thủy sản cách đây 15 năm, VHC của bà chủ Trương Thị Lệ Khanh giờ đây đã trở thành công ty lớn nhất nhì ngành thủy sản Việt Nam.

Riêng xuất khẩu cá tra, cá basa, Vĩnh Hoàn đã giành và giữ được vị trí đứng đầu trong 3 năm qua và luôn đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%. DN này chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang Mỹ.

Thủy sản Hùng Vương của chủ tịch Dương Ngọc Minh cũng được mệnh danh là ông “vua” trong ngành cá tra Việt Nam với công suất trên 1.000 tấn/ngày. HVG cũng được ghi nhận là DN thủy sản có tốc độ tăng trưởng doanh thu khủng khiếp, từ mức 8 tỷ đồng lên 8.000 tỷ đồng trong vòng 10 năm qua.

Cuộc lên ngôi của kẻ “lạc hậu”

Chỉ trong vòng một thời gian khá ngắn, 5-7 năm, nhiều gương mặt DN mới mẻ bỗng nhiên nổi lên thành những ông trùm mới trong từng lĩnh vực như: Vingroup ở mảng BĐS cao cấp, BĐS du lịch; Masan ở mảng tiêu dùng; Hoa Sen trong lĩnh vực tôn; Hòa Phát trong lĩnh vực thép xây dựng…

Sự phát triển như vũ bão của nhóm các DN này cùng với đó là sự xuất hiện của những gương mặt đại gia mới, thuộc tốp những người giàu nhất Việt Nam như Phạm Nhật Vượng, Trần Đình Long, Lê Phước Vũ, Nguyễn Đăng Quang, Hồ Hùng Anh, Dương Ngọc Minh, Trương Thị Lệ Khanh, Đặng Phước Thành… khiến nhiều người giật mình.

Một câu hỏi được đặt ra là: Điều gì đã giúp các DN này vượt lên trên khủng hoảng, không những không bị sóng gió vùi dập như trường hợp các đại gia, các bậc tiền bối Mai Linh, Bianfishco, VCG, SCR, THV, PVX…?

Câu trả lời có lẽ nằm ở cách thức mà các ông, bà chủ vận hành DN của họ.

Trong trường hợp Hùng Vương, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, HVG là một DN biết chuyên sâu vào lĩnh vực mà mình có lợi thế. Chiến lược phát triển tập trung giúp HVG hạ giá thành sản phẩm, chủ động và nâng cao chất lượng nguồn nguyên liệu đầu vào.

Trên thực tế, đúng như ông Dương Ngọc Minh từng chia sẻ, HVG không dùng tiền vốn, tiền lãi, tiền từ phát hành cổ phiếu đầu tư sai mục đích; không làm địa ốc, chứng khoán mà tập trung vào đầu tư nuôi trồng, chế biến thức ăn, nâng cấp nhà xưởng. Sự bình tâm và chuyên tâm của DN vào đúng lĩnh vực thế mạnh có lẽ là yếu tố giúp HVG có doanh thu tăng trưởng khủng khiếp liên tục trong 10 năm qua.

Cũng đi đúng đường như HVG, bí quyết đưa Vĩnh Hoàn lên đỉnh của bà Trương Thị Lệ Khanh có lẽ nằm ở cụm từ “chuối khép kín”. Vĩnh Hoàn vươn lên vị trí dẫn đầu trong xuất khẩu cá basa như gần đây có lẽ nhờ chu trình sản xuất khép kín, từ sản xuất thức ăn cho đến phát triển vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến sản phẩm… DN không những chủ động trong sản xuất mà còn giảm được giá thành sản phẩm.

Với ông Đặng Phước Thành, cho dù khởi nghiệp từ du lịch, chuyển sang BĐS rồi sang kinh doanh taxi nhưng trong mỗi giai đoạn phát triển, ông vua mới trên thị trường taxi này dường như tập trung toàn lực vào từng công việc cụ thể.

Nhìn vào các ví dụ nói trên, có thể thấy, đa số các DN phát triển mạnh mẽ và vươn lên đứng đầu thị trường đều là các đơn vị hoạt động có tính chuyên biệt cao, không đầu tư dàn trải mà tập trung vào thế mạnh của mình. Những thành tích vượt trội trong thời kỳ khó khăn cho thấy con đường mà các DN này chọn là đúng đắn.

Tuy nhiên, để đạt được thành công như vậy, có lẽ điều quan trọng là ý chí, sự kiên định của các doanh nhân lèo lái DN. Giá trị cốt lõi tạo nên một DN đầu ngành không có gì khác chính là con người. Nền kinh tế Việt Nam rất cần những doanh nhân có tầm nhìn, có chiến lược kinh doanh bài bản để xây dựng nên những DN lớn, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực và thế giới.

Mạnh Hà